Chứng khoán

HVN, HPX và một loạt cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa công bố đưa hàng loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo từ ngày 11/7, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như HVN, HPX, POM...

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa quyết định đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo từ ngày 11/7.

Cụ thể, HOSE quyết định đưa cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings; cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát; cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ và cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7/2023 với cùng với lý do là công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Cổ phiếu POM đồng thời đang được theo dõi ở diện cảnh báo. Trong khi, cổ phiếu IBC và HPX đồng thời đang thuộc dạng hạn chế giao dịch. Còn cổ phiếu TTB vẫn thuộc diện chứng khoán bị đình chỉ giao dịch từ ngày 7/7/2023.

Cũng với lý do công ty chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, HOSE quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 11/7.

Đồng thời, cổ phiếu HVN cũng đang thuộc diện kiểm soát theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 1/6/2022 của HOSE do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 5.167,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là âm 28.904,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897,4 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b và điểm d Khoản 4 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ- HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, cổ phiếu HVN cũng thuộc diện kiểm soát theo Quyết định số 207/QĐ-SGDHCM ngày 5/5/2023 của HOSE do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Đáng chú ý, dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, thậm chí chuyển cổ phiếu sang diện kiểm soát, nhưng đến nay Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo quy định.

hvn1.png

Trong báo cáo tài chính năm 2022 tự lập, hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng.

Nếu báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HOSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Trong văn bản giải trình, nêu biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết, công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, báo cáo cổ đông và được đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị phê duyệt và triển khai đề án tái cơ cấu sau khi cấp có thẩm quyền thông qua nguyên tắc đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Trong đề án, công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, nhanh chóng phục hồi thông qua việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, bổ sung dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Hoàng Hà