Mới lạ “Hộp kể chuyện” tại các bảo tàng TP. Hồ Chí Minh
"Hộp kể chuyện" là công cụ truyền đạt nội dung được thiết kế dựa trên sáng kiến của Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp). Đây là một trong những dự án thể hiện tình hữu nghị trong quan hệ ngoại giao Pháp - Việt Nam.
Chiều ngày 5/7, tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp phối hợp cùng Sở Văn hóa & Thể thao (VHTT) TP. Hồ Chí Minh khánh thành “Hộp kể chuyện”.
Dự án đã thể hiện được sự quan tâm của các cơ quan văn hóa Pháp và Việt Nam đối với hoạt động bảo vệ, phát huy các giá trị di sản Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Thông qua hình thức kể chuyện gần gũi và sinh động trong “Hộp kể chuyện” này, người dân sẽ hiểu rõ về di sản của mình đồng thời khám phá các bảo tàng của thành phố, thêm yêu lịch sử - văn hóa Việt.
Theo đó, 4 câu chuyện sẽ được kể cho khách tham quan nghe dưới dạng podcast trong chiếc hộp là: Ấn đồng Lương tài hầu chi ấn (Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh), tượng Chăm Ganesha (Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh), áo dài (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ), tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ có thể khám phá những chiếc hộp kể chuyện và trải nghiệm nhiều cảm xúc mới mẻ những hiện vật tiêu biểu của các bảo tàng thuộc thành phố. Bà Hélène Lafont Couturier - Tổng Giám đốc Bảo tàng Confluences - đã chia sẻ cảm xúc vui mừng khi Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bảo tàng Confluences đã góp phần tạo ra một dự án ý nghĩa.
Nằm trong khuôn khổ dự án FSPI - “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam”, Bộ phận hợp tác và hoạt động văn hóa của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tiến hành các dự án thí điểm ở các khu vực khác nhau của Việt Nam như miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Tại khu vực phía Nam, dự án thí điểm mang tên “Hộp kể chuyện” được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh với 2 chiếc hộp. Đây là 2 thiết bị truyền đạt nội dung qua âm thanh được thi công tại Việt Nam dựa trên thiết kế của Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp) nhằm mục đích giới thiệu với công chúng các hiện vật tiêu biểu trong bộ sưu tập của các bảo tàng thành phố. Ở Lyon, những chiếc hộp này được đặt tại các địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga hay bệnh viện nhằm đem đến một khoảnh khắc thư giãn, đồng thời tìm hiểu thêm về một hiện vật của bảo tàng trong một không gian tưởng chừng không liên quan. Bên cạnh đó, chiếc hộp cũng là phương tiện để bảo tàng tiếp cận đến những đối tượng công chúng ít quan tâm đến các địa điểm văn hóa, hoặc không có điều kiện lui tới những nơi này thường xuyên.
Tại TP. Hồ Chí Minh, những “chiếc hộp kể chuyện” này sẽ giúp công chúng (tái) khám phá các bộ sưu tập thông qua các podcast (tập tin âm thanh) được kể với thời lượng 3 phút cho mỗi câu chuyện. Trước mắt, 2 "Hộp kể chuyện" được đặt tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, sau đó sẽ được luân chuyển đến các bảo tàng khác thuộc TP. Hồ Chí Minh.
Dự án FSPI tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai 3 khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng về các lĩnh vực như đón tiếp công chúng; truyền đạt nội dung và truyền thông; bảo tàng và phát triển bền vững; quản lý và bảo quản bộ sưu tập. Đầu tháng 6/2023, đoàn cán bộ quản lý các bảo tàng tại TP. Hồ Chí Minh đã có chuyến thực địa tại nước Pháp. Các khóa tập huấn và thực địa là cơ hội quý giá để cán bộ bảo tàng học tập, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời có những định hướng, kế hoạch cho hoạt động của các bảo tàng trong tương lai.
Đại diện các bảo tàng tham gia dự án cho biết, trong thời gian tới, các bảo tàng sẽ tiếp tục bổ sung thông tin, các câu chuyện kể để phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của di sản Việt Nam đến gần hơn với khách tham quan trong nước và và quốc tế.