Công nghệ

GenZ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào?

Phương Thảo - Minh Thuận - Nguyễn Thơ - Thảo Ngân 06/07/2023 14:09

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến rộng rãi ở những người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là sinh viên - thế hệ GenZ, những người sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, được mệnh danh là những “công dân thời đại kỹ thuật số”.

ttkdtm.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen với giới trẻ

TTKDTM dần trở thành thói quen của giới trẻ

Từ chỗ xa lạ cách đây không lâu, các hình thức TTKDTM đang trở thành thói quen với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước. Với hình thức thanh toán đa dạng (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, ví điện tử…), giới trẻ có thể thanh toán cho các nhu cầu thiết yếu như: điện, nước, cước phí điện thoại, vé xe/tàu/máy bay, nộp học phí, mua xăng, mua hàng trong siêu thị/cửa hàng tiện lợi, mua hàng qua mạng… một cách nhanh chóng và tiện lợi.

“Tôi hay quét QR Code để thanh toán cho các nhu cầu cá nhân vì tiện lợi hơn nhiều so với thanh toán bằng tiền mặt. Ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại giúp tôi quản lý được chi tiêu khi có thể dễ dàng xem lại lịch sử giao dịch. Phương thức thanh toán này cũng an toàn hơn khi tôi không phải mở ví để lấy tiền, tránh trường hợp vô tình làm rơi tiền hoặc tệ hơn là bị cướp giật”, Thu Phương, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ.

Tại những điểm buôn bán nhỏ lẻ như quán trà đá, xe bán bánh mì, đồ ăn vặt rong… đặc biệt, trong khu vực quanh các trường đại học, không khó để bắt gặp QR Code đã được dán sẵn ở một góc xe hàng để khách hàng thuận tiện trong thanh toán các hóa đơn mua hàng. Hầu hết, người sử dụng QR Code tại những điểm xung quanh trường là sinh viên.

Thạc Huy, sinh viên Đại học Ngoại Thương - sống và học tập tại phố Chùa Láng, nơi tập trung nhiều những quán ăn và cửa hàng tiện lợi, cho biết: “Từ khi lên đại học, hầu như tất cả giao dịch, thanh toán cá nhân của tôi trong ngày đều thực hiện thông qua việc quét QR Code, hay chuyển khoản. Có một điểm thuận lợi là gần như 100% cơ sở kinh doanh tại Hà Nội đều có QR Code và chấp nhận chuyển khoản. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, tôi uống một cốc trà đá, hay sữa đậu nành có giá từ 3.000 - 5.000 đồng cũng tiện tay quét QR Code để thanh toán”.

Phương Thảo, sinh viên Đại học Hà Nội cũng chia sẻ những tiện ích của TTKDTM khi sử dụng đổ xăng cho xe máy tại các cây xăng trên địa bàn Hà Nội. “Trước đây, các cây xăng không sử dụng hình thức TTKDTM (chuyển khoản, QR Code) nên mỗi khi xe hết xăng, trong người không có tiền, tôi phải dắt xe một đoạn dài tìm cây ATM để rút tiền, sau đó mới quay trở lại đổ xăng. Nhưng giờ đây, chỉ cần báo nhân viên đổ xăng phương thức thanh toán là tôi có thể đổ xăng đầy bình. TTKDTM thực sự tiện lợi đối với giới trẻ chúng tôi”, Phương Thảo chia sẻ.

Những chia sẻ của Thu Phương, Thạc Huy hay Phương Thảo ở trên, cũng là quan điểm chung của nhiều bạn trẻ ngày nay. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán, các doanh nghiệp… đã góp phần đưa những các phương thức thanh toán hiện đại đến gần hơn với mọi tầng lớp dân cư từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là trong giới trẻ.

ttkdtm-1.jpg
Sinh viên nộp học phí qua ứng dụng ngân hàng trên di động. (Ảnh: Minh Thuận)

Để TTKDTM “phủ sóng” rộng rãi hơn trong thế hệ GenZ

Dù TTKDTM đang dần trở thành thói quen hàng ngày trong đời sống xã hội, tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để TTKDTM có thể "phủ sóng" rộng hơn nữa, nhất là trong giới trẻ. Vẫn còn một số trở ngại ảnh hưởng đến việc “phủ sóng” của TTKDTM tới mọi tầng lớp người dân, đặc biệt trong giới trẻ.

Thực tế cho thấy, không phải cơ quan, doanh nghiệp, điểm kinh doanh nào cũng đã chấp nhận TTKDTM. Ví như, hầu hết các tuyến xe buýt nội thành Hà Nội, sử dụng tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán duy nhất. Quy định thanh toán tiền mặt vẫn áp dụng tại một số địa điểm du lịch. Hay việc áp dụng thanh toán qua QR Code hay thanh toán qua thẻ để thanh toán tiền mua xăng vẫn chưa thực sự phổ biến, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng…

img_3013-1-.png

Một trở ngại nữa khiến TTKDTM chưa phủ sóng rộng khắp là những lo ngại về an toàn và bảo mật khi sử dụng những hình thức thanh toán hiện đại này. Hồng Ngọc, sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam chia sẻ: “Có một lần tôi bị mất điện thoại, sau đó không lâu tài khoản của tôi bị mất một khoản tiền. Điều này phần nào khiến tôi e ngại khi sử dụng các hình thức TTKDTM”.

Để tiến tới xã hội không tiền mặt sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm. Và chỉ nỗ lực từ riêng phía ngành Ngân hàng là chưa đủ, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong việc cùng gỡ vướng, để TTKDTM có thể "phủ sóng" rộng rãi hơn tới mọi tầng lớp người dân, từ thành phố cho đến khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.

“Tại các thành phố lớn như: Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, việc thanh toán điện tử khá phổ biến nhưng khi về quê, tôi chủ yếu vẫn dùng tiền mặt. Bản thân tôi cũng chỉ mới biết đến thanh toán điện tử khi xuống Hà Nội học đại học”, Hoàng Hải, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội chia sẻ và đề nghị: “Quê tôi là một xã ở miền núi, cũng có thể nói là vùng sâu vùng xa, kinh tế chưa phát triển và mọi người cũng chưa để ý đến thanh toán điện tử quá nhiều, họa hoằn lắm mới có chỗ chấp nhận chuyển khoản. Để  TTKDTM trở nên phổ biến hơn, tôi cho rằng, bên cạnh việc chọn những nơi kinh tế phát triển, các ngân hàng cũng cần thông tin rộng rãi các dịch vụ thanh toán hiện đại đến những vùng nông thôn, miền núi như quê tôi, để khuyến khích mọi người sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại”.

Không chỉ vậy, để TTKDTM phổ cập hơn nữa, sinh viên nhiều trường đại học có ý kiến, ngoài việc phổ biến hơn hình thức thanh toán qua tài khoản, qua QR Code, các ngân hàng và doanh nghiệp bán lẻ/cửa hàng bán lẻ/trung tâm thương mại…. nên trang bị thêm các máy POS để có thể dễ dàng lựa chọn hơn trong các phương thức thanh toán.

Đẩy mạnh truyền thông về những tiện ích của TTKDTM, tăng cường đào tạo các kiến thức tài chính cũng như cảnh báo các rủi ro cho khách hàng cũng là những điều đươc nhiều bạn trẻ đề xuất.

Về phía khách hàng, cần trang bị các kiến thức cơ bản về tài chính, hiểu được những nguy cơ và rủi ro khi sử dụng thanh toán điện tử, qua đó giúp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Đặt trong công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ của nền kinh tế, giới trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học… sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những tiện ích của những phương thức thanh toán hiện đại tới cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của toàn xã hội, cũng như hướng tới xã hội không tiền mặt trong tương lai gần.

Phương Thảo - Minh Thuận - Nguyễn Thơ - Thảo Ngân