Vấn đề - Nhận định

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại

Nguyễn Ngọc 06/07/2023 14:45

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại, ít được bộ, ngành, địa phương quan tâm; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Sáng ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) tổ chức Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển cho doanh nghiệp”, nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh và các thủ tục liên quan, từ đó tổng hợp, rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương án và giải pháp tương ứng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Chính phủ. Kết quả rà soát cho thấy, tính đến hết năm 2016 có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD); trong đó khoảng 3.000 ĐKKD không cần thiết, không rõ ràng, không hợp lý, không có hiệu quả nhà nước hoặc can thiệp sâu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% số ĐKKD. Đến hết năm 2019, hầu hết các Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về ĐKKD; và cắt bỏ, đơn giản hóa 3.425/6.191 ĐKKD.

Đặc biệt, trong cảnh kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và khủng hoảng từ những yếu tố bất định bên ngoài thì cải cách, cải thiện MTKD sẽ tác động đến các thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp.

Bởi vậy, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Chính phủ có khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh tới cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD.

Tuy vậy, trên thực tế, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại, ít được bộ, ngành, địa phương quan tâm; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

toan-canh.gif
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại hội thảo

Những khó khăn về điều kiện kinh doanh ít được giải quyết

Nêu ý kiến tại hội thảo, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung iốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Sau nhiều lần ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP và chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

chi.gif
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thấy kế hoạch này được Bộ Y tế triển khai; thay vào đó là việc thường xuyên tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan và đề xuất Chính phủ chỉ đạo đi ngược với Nghị quyết 19.

“Chính phủ đã thấu hiểu những bất cập doanh nghiệp đang phải chịu đựng và nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế sửa đổi, thật sự đây là tín hiệu tốt cho nỗ lực của các Hiệp hội và doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực tế này cũng cho thấy những bất cập của các bộ, ngành trong việc thực thi các chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Chi quan ngại.

Nhìn nhận những khó khăn này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, doanh nghiệp chia sẻ vướng mắc, bất cập như quy định về phòng cháy chữa cháy (nhất là Thông tư 06 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình); kinh doanh xăng dầu, giấy phép môi trường, quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây, an ninh trật tự, kinh doanh vận tải... Tuy vậy, rất ít khó khăn được giải quyết.

Theo bà Thảo, nguyên nhân là do động lực cải cách của các bộ, ngành suy giảm và sự khôi phục quyền lực quản lý nhà nước ngày càng gia tăng. Trong khi đó, thiếu sự giám sát của các bên trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD, hoạt động giám sát, đánh giá độc lập về cải cách ĐKKD suy giảm.

“Khi dịch bệnh và sự tụt dốc của MTKD ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Mức độ sẵn sàng chia sẻ các vấn đề về đóng góp chính sách của cộng đồng doanh nghiệp vì thế là giảm dần”, bà Thảo đánh giá.

thao.gif
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM)

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD theo yêu cầu của Chính phủ

Theo bà Thảo, sau hơn 2 năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau COVID19, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt thêm với yếu tố bên ngoài và giá cả tăng cao khiến "sức khỏe" càng trở nên suy kiệt hơn. Những khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau.

Vì vậy, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó cần nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi, đặt doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách, thực hiện cải cách vì doanh nghiệp và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Cụ thể, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023.

Đặc biệt, các bộ ngành cần nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; kiến nghị các phương án gồm: Thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng…

“Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt đều có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới”, bà Thảo tin tưởng.

Nguyễn Ngọc