VDSC: Môi trường lãi suất thấp là trợ lực chính cho thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay
Trong tháng 6, việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã đẩy tâm lý giao dịch của thị trường chứng khoán lên cao trào. Trong nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường chứng khoán.
Thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm
Tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tháng tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3 nhờ các nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng trong việc đưa ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó gián tiếp kích thích kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, giảm 2% thuế VAT, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước và đồng loạt khởi động các dự án đường cao tốc quốc gia là những biện pháp tài khóa đáng chú ý thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2023.
Đặc biệt, diễn biến hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 6 đã kích thích tâm lý giao dịch của thị trường. Theo đó, các ngành được hưởng lợi bùng nổ (như vật liệu, ngân hàng, tiêu dùng không thiết yếu) giúp VN-Index tăng 4,19% và đóng cửa ở mức 1.120,18. Cụ thể hơn, VNDMID (5,63%) và VN30 (5,33%) dẫn đầu hỗ trợ VN-Index, trong khi đà tăng của VNSMALL đã chậm lại với mức tăng 2,03% so với tháng trước đó.
Giá trị khớp lệnh trên HOSE tăng 56% so với tháng trước, tương đương với mức tháng 8/2022 – thời điểm các biến cố lớn và cuộc đua lãi suất huy động chưa diễn ra. Tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân cũng liên tục tăng lên so với hồi quý I/2023.
"Khả năng cao là các khoản tiền gửi hồi cuối năm 2022 có kỳ hạn đến 6 tháng đã tái đầu tư vào thị trường chứng khoán trong 2-3 tháng gần đây", báo cáo chiến lược đầu tư tháng 7 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Đợt cắt giảm lãi suất lần gần nhất đã đưa mức trần lãi suất huy đồng kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm, giảm từ mức 6%/năm vào tháng 10/2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm từ 20 – 50 điểm cơ bản so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, mặt bằng chung của mức giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng là hơn 1 điểm phần trăm, cá biệt ở một số ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, VPBank ghi nhận mức giảm hơn 2 điểm phần trăm. Trong giai đoạn nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường chứng khoán.
“Trong tháng 6, việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cùng với sự dịch chuyển của dòng tiền sang cổ phiếu vốn hóa lớn trước thềm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã đẩy tâm lý giao dịch của thị trường lên cao trào. Diễn biến có phần bất ngờ từ Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường thiết lập mức đỉnh ngắn hạn mới cao hơn so mức đỉnh kỳ vọng”, chuyên gia VDSC cho biết.
Cũng theo VDSC, môi trường lãi suất thấp vẫn sẽ là trợ lực chính cho thị trường không chỉ trong tháng 7 mà còn trong nửa cuối năm nay, khi mà các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 sẽ dần đáo hạn và tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn như thị trường chứng khoán.
Dòng tiền trong tháng 6 cũng đã bắt đầu hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi một vài cái tên thuộc nhóm này được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến hoặc cải thiện rõ rệt so với quý trước trong mùa báo cáo sắp tới như VCB, STB, MBB, SSI, HPG. Qua đó, thị trường đã bứt phá khỏi kênh dao động đi ngang kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, phần lớn các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 vẫn duy trì xu hướng đi ngang. Thực tế này cùng với kỳ vọng về sự tăng lên của thanh khoản hạn chế sự sụt giảm mạnh của thị trường trong tháng 7.
Rủi ro giảm của thị trường trong tháng nhiều khả năng sẽ bị chi phối bởi diễn biến bất lợi của tỷ giá, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất qua đêm của đồng VND và USD đang rất lớn và khả năng cao Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp ngày 24/7. Bên cạnh đó là rủi ro lợi nhuận của một số cổ phiếu vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng.
Ngân hàng - trụ cột chính trong bức tranh lợi nhuận quý II
Tâm điểm về thông tin trong tháng 7 sẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường được dự báo vẫn còn tương đối ảm đạm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, xu hướng tăng trưởng của sàn HOSE có thể đã tạo đáy từ quý IV/2022 và sẽ bắt đầu tăng trở lại kể từ quý II/2023. Trong kịch bản cơ sở cho dự báo lợi nhuận quý II, VDSC kỳ vọng lợi nhuận ròng toàn thị trường giảm 4% so với cùng kỳ.
Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, trụ cột chính của thị trường, sẽ cải thiện lên mức 10% so với cùng kỳ, nhờ vào sự dẫn dắt của VCB, MBB, và STB. Ngành dịch vụ tài chính nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ VHM (do mức nền thấp) và lợi nhuận cao của nhóm Chứng khoán nhờ diễn thuận lợi của thị trường chứng khoán.
Ngành công nghệ thông tin và dược phẩm vẫn là điểm sáng trong quý II với mức tăng trưởng dự báo bền bỉ từ 20%-25% so với cùng kỳ, dẫn dắt bởi FPT, DHG, DBD, IMP. Lợi nhuận ngành dầu khí dự kiến sẽ chuyển từ lỗ của quý II/2022 sang lãi trong quý vừa qua. Ngành dịch vụ tiêu dùng được kỳ vọng có diễn biến tương tự chủ yếu bởi kỳ vọng HVN bắt đầu có lãi ròng từ quý II năm nay, trong khi sự khó khăn của nhóm bán lẻ vẫn sẽ tiếp diễn trong kỳ này.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nguyên vật liệu (thép, hóa chất, phân bón, cao su), hàng tiêu dùng (dệt may, thủy sản), tiện ích, công nghiệp (cảng biển, xây dựng) sẽ tiếp tục tăng trưởng âm hai chữ số trong quý này với mức giảm dao động từ -20% tới - 70% so với cùng kỳ.