Thực hiện Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh: Những tác động tích cực và yêu cầu nhiệm vụ đối với ngành Ngân hàng Thành phố
Ở góc độ ngân hàng, mặc dù không phải đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Nghị quyết song trong vai trò là trung gian tài chính, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, tác động đến đa ngành kinh tế, những tác động tích cực của Nghị quyết đối với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, sẽ là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để ngành Ngân hàng phát triển.
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội vừa ban hành về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh xác định 44 cơ chế, chính sách điều chỉnh, tác động trên 7 lĩnh vực gồm: đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố và tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố Thủ Đức.
Các cơ chế chính sách này, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Thành phố khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố, tạo dư địa và động lực tăng trưởng mới để phát triển Thành phố tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Với ý nghĩa quan trọng này, Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố đã và đang chủ động tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống, sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách đặc thù riêng cho Thành phố với tinh thần”chiến dịch”, đoàn kết, quyết tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Ở góc độ lĩnh vực ngân hàng, mặc dù không phải đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Nghị quyết song trong vai trò là trung gian tài chính, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, tác động đến đa ngành kinh tế, những tác động tích cực của Nghị quyết đối với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, sẽ là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để ngành ngân hàng phát triển. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thực hiện nhiệm vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thành phố khi thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội. Cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động ngân hàng phát triển. Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội Thành phố tăng trưởng và phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, ngoài lĩnh vực đầu tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng, để tạo động lực tăng trưởng và phát triển; tạo dư địa cho tăng trưởng cũng như nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tiềm năng cho sự phát triển thì những cơ chế chính sách về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo; cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá và tăng trưởng bền vững. Tất cả các yếu tố này, trở thành môi trường kinh tế xã hội thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ngành trong mối liên hệ ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế, theo hướng thúc đẩy các yếu tố phát triển về vốn, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới để phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế Thành phố trong giai đoạn tới. Trong đó có yêu cầu đổi mới, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế số, ngân hàng số cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện canh tranh ngày càng cao hơn, quyết liệt hơn. Đây sẽ là động lực để ngành Ngân hàng Thành phố phát triển.
Thứ hai, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Cụ thể là đáp ứng vốn cho phát triển các dự án hạ tầng, đô thị và giao thông; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cung ứng tốt các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho hoạt động quản lý ngân sách và tài chính của Thành phố theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu, quản lý phí…; phối hợp với Công ty đầu tư tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh (HIFIC) để phát huy hiệu quả nguồn vốn trong phát triển các dự án đầu tư, các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Thành phố, cũng như hoạt động đầu tư trái phiếu địa phương…
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố, thực hiện sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho các chương trình xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết, với những sự điều chỉnh tác động đến nguồn vốn địa phương giao cho NHCSXH thực hiện.
Thứ ba, thực hiện tốt nhiệm vụ với vai trò là cơ quan, sở ngành để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Ngoài việc gắn liền với nhiệm vụ địa phương của ngành ngân hàng trên địa bàn, với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng trên địa bàn; ngành Ngân hàng Thành phố sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành để thực hiện Nghị quyết khi có phát sinh nhiệm vụ liên quan. Trong đó, trước mắt chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông trong hệ thống ngân hàng về Nghị quyết 98 cũng như các yêu cầu nhiệm vụ của Thành ủy, UBND Thành phố về triển khai khai thực hiện Nghị quyết, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và một không khí mới, động lực mới về “chiến dịch” thực hiện Nghị quyết đặc thù cho Thành phố để Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu kinh tế của cả nước, là thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình, Thành phố cùng cả nước và vì cả nước.