Trung Quốc mấp mé bờ vực giảm phát
Trung Quốc đang bên bờ vực giảm phát khi giá cả lao dốc.
Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tính đến tháng 6 đã giảm xuống mức bằng 0 sau khi giá thịt lợn giảm mạnh. Con số chính thức này là số liệu yếu nhất kể từ tháng 2/2021 và thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế về mức tăng CPI hàng năm 0,2%.
Giá sản xuất cũng giảm 5,4% trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ 9 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2015.
Trung Quốc đã phải vật lộn để thoát ra khỏi tình trạng bất ổn kinh tế do các chính sách Zero COVID hà khắc, vốn chỉ mới được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng gia tăng khi các công ty phương Tây ngày càng chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở nước này là 20,8%, ghi nhận số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp chật vật tìm việc làm.
Duncan Wrigley, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cho biết: “Lạm phát giá tiêu dùng hầu như bằng 0 là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chi tiêu yếu ớt của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa, cũng như năng lực sản xuất dư thừa”.
Tại một sự kiện mua sắm lớn vào đầu tháng này, một số gã khổng lồ internet của Trung Quốc đã báo cáo số liệu bán hàng đáng thất vọng.
Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ đối phó với nền kinh tế đang suy yếu bằng việc cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích tại Barclays cho biết trong một lưu ý khách hàng: “Chúng tôi nghĩ rằng môi trường giảm phát đầy thách thức và đà tăng trưởng giảm mạnh hỗ trợ cho quan điểm của chúng tôi rằng PBOC đã bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất”.
Một số nhà kinh tế tin rằng Bắc Kinh sẽ phải bổ sung việc cắt giảm lãi suất bằng việc giảm thuế hoặc tăng chi tiêu để thúc đẩy hoạt động.
Tuy nhiên, ông Wrigley cho biết Bắc Kinh khó có thể tung ra một gói kích thích tài khóa lớn.
Ông nói: “Cho đến nay, thông tin công khai hướng tới một gói kích thích hạn chế, có mục tiêu, phần lớn sẽ được chuyển thành hỗ trợ cho ngành công nghiệp, nâng cấp công nghệ và các công ty tư nhân, thay vì hỗ trợ đáng kể cho tiêu dùng.”
Tình trạng giảm phát đang rình rập ở Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với tình trạng lạm phát xảy ra dai dẳng ở những nơi khác trên thế giới.
Ngoài một giai đoạn giảm phát ngắn vào đầu năm 2021, Trung Quốc chưa trải qua tình trạng giảm phát giá tiêu dùng kéo dài kể từ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lúc đó, Bắc Kinh đã đưa ra gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (553 tỷ USD) tập trung vào cơ sở hạ tầng và nâng cấp ngành công nghiệp. Mặc dù kế hoạch đó đã thúc đẩy tăng trưởng vào thời điểm đó, nhưng nó cũng khiến chính quyền địa phương vay nhiều hơn mức cho phép theo luật, khiến nợ nần chồng chất.
Phạm vi của chính sách nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát lần này bị hạn chế hơn, một phần do lo ngại về rủi ro nợ.
Chỉ số lạm phát yếu hơn dự kiến đã đánh gục thị trường tài chính khi đồng Nhân dân tệ giảm giá và chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ.
Các nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết: "Chúng tôi dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng lên khoảng 1% vào cuối năm nay. Nhưng điều này vẫn sẽ ở mức yếu và sẽ không hạn chế khả năng nới lỏng chính sách hơn nữa của PBOC".
"Điều đó cho thấy, với nhu cầu tín dụng yếu và đồng tiền chịu áp lực, chúng tôi nghĩ rằng phần lớn hỗ trợ sẽ đến từ chính sách tài khóa. Chúng tôi hy vọng lãi suất chính sách sẽ chỉ giảm thêm 10 điểm cơ bản nữa trong năm nay."
Hu Yuexiao, nhà phân tích tại Shanghai Securities, cho biết PBOC có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay hơn nữa, và kỳ vọng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất sẽ giảm trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm lãi suất ở mức nhỏ sẽ không có tác động lớn đến nhu cầu vay vốn khi các gia đình và doanh nghiệp phải củng cố bảng cân đối kế toán bị thiệt hại do dịch bệnh COVID và trả nợ, buộc Bắc Kinh phải dựa vào kích thích tài khóa và các biện pháp khác để thúc đẩy cầu.