Gỡ "nút thắt" visa: Du lịch Việt Nam cần làm gì để "cất cánh"
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, nới lỏng visa chỉ là điều kiện cần, còn "điều kiện đủ" để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn là phải có một loạt các giải pháp đồng bộ.
Ngày 15/8 tới đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều thay đổi quan trọng về chính sách thị thực (visa) và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo quy định mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày khách du lịch cũng được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Bên cạnh đó, công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Visa là điều kiện cần, phải đồng bộ các giải pháp để có điều kiện đủ cho du lịch phát triển
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật về xuất nhập cảnh với chính sách thị thực (visa) thông thoáng cũng như tăng thời hạn lưu trú đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là một trong những tín hiệu rất vui mừng đối với du lịch của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, đây là mong mỏi từ rất lâu của những người làm du lịch. Trong nhiều năm, ngành Du lịch Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan đã có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua đó tạo điều kiện để thu hút khách du lịch quốc tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, sự điều chỉnh về việc cấp visa điện tử và tăng thêm thời gian lưu trú cho khách nước ngoài đến Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cũng như thể hiện sự phối hợp có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan với Bộ VHTTDL, góp phần tạo nên một chính sách đột phá cho du lịch.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian kéo dài hơn, thu hút các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh "dài hơi" hơn. Trên cơ sở đó sẽ tạo sức hút đối với các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Cho rằng khó khăn lớn nhất liên quan đến chính sách visa đã được tháo gỡ, tuy nhiên Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, đây mới chỉ là "điều kiện cần", còn "điều kiện đủ" để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn thì cần phải có một loạt các giải pháp đồng bộ.
Trong đó, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Triển khai công tác xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam phải được chú trọng hơn nữa.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là phải đào tạo được nguồn nhân lực về du lịch vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp du khách du lịch.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành du lịch.
"Tổng hòa tất cả những nội dung đó mới tạo nên được những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, hấp dẫn để nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng như tạo nên sức hút lớn trong thời gian tới" ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, ngành du lịch không thể làm một mình
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc sửa các luật về xuất nhập cảnh theo hướng nới lỏng chính sách visa đã mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải làm gì để tận dụng được cơ hội đó.
"Chúng ta cho phép khách du lịch nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày nhưng khi họ ở lại 45 ngày đó thì phải lo lắng họ trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thực sự thích thú ở lại? Phải có sự chuyển biến để thích ứng", ông Vũ Thế Bình nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, để có sự chuyển biến thì không thể chỉ phụ thuộc vào một bên nào mà phải có sự chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, của chính quyền các cấp và của các doanh nghiệp du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên kết nhiều ngành, nhiều vùng. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên cả nước thì một ngành không thể làm được.
Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, bản thân những người làm du lịch phải đi trước, làm trước để tạo động lực, lôi cuốn tất cả các lĩnh vực khác theo chứ không thể bị động ngồi chờ sự chuyển biến từ nơi khác. Những người làm tích cực nhất, lăn lộn nhất thì bao giờ cũng thu được kết quả xứng đáng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sau đại dịch Covid-19, rõ ràng sản phẩm du lịch phải thay đổi, không thể như cũ được. Nhưng thay đổi như thế nào thì mỗi doanh nghiệp du lịch phải tự nghĩ để tạo những sản phẩm phù hợp, thích hợp nhất với mình.
Trong quá trình triển khai sản phẩm mới, nếu có khó khăn, các doanh nghiệp có thể kiến nghị với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội sẽ chuyển kiến nghị đó lên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tìm cách thay đổi.
"Điểm đến do nhà nước chịu trách nhiệm còn sản phẩm du lịch phải là vấn đề của doanh nghiệp", ông Vũ Thế Bình nói và cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm, xây dựng sản phẩm và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Đối với các loại hình du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cũng cần phải có sự nghiên cứu, thích ứng và thay đổi. Lấy ví dụ về du lịch golf, một loại hình thu hút khách du lịch rất lớn, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh các doanh nghiệp du lịch khi triển khai cần phải tính đến các vấn đề như việc quản lý, thu hút khách ra sao, dịch vụ phục vụ như thế nào?… chứ không chỉ ngồi chờ khách đến rồi bán vé.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Vũ Thế Bình cũng có 2 mảng. Trong đó, nhà nước định hình các loại hình cần đào tạo còn doanh nghiệp là người sử dụng lao động thì phải có kiến nghị về yêu cầu đối với lao động để có thể đào tạo thích hợp.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo đã có sự liên thông và tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề đào tạo nhân lực, tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường thông tin hơn nữa, nêu lên các khó khăn của mình để gắn kết việc đào tạo với doanh nghiệp.
"Bao giờ doanh nghiệp mới đặt hàng đối với nhà đào tạo? Ví dụ tôi cần 10 hướng dẫn viên, 10 người quản lý phòng.. thì có đặt hàng các cơ sở đào tại được không?" ông Vũ Thế Bình nêu vấn đề và cho rằng, tư tưởng này hiện vẫn còn hơi xa vời với ngành du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nêu kiến nghị phải làm mới thương hiệu du lịch Việt Nam. Ông cho rằng thương hiệu du lịch phải luôn thay đổi, phù hợp với những giai đoạn nhất định trong khi thương hiệu du lịch của Việt Nam đến thời điểm này đã quá cũ, quá lạc hậu.
Hay với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng Quỹ cần có những hoạt động cụ thể hơn cho những vấn đề nội tại của ngành du lịch. Đối với vấn đề mở thị trường mới, ông Vũ Thế Bình cho rằng nhà nước phải đi trước một bước. Trong đó, nhà nước xúc tiến, quảng bá điểm đến, doanh nghiệp sẽ đi cùng để xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
"Chúng tôi nghĩ rằng sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ phải định hình lại cho rõ ràng hơn, có sự phân chia trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp cụ thể để theo kịp xu thế chung của thế giới", ông Vũ Thế Bình bày tỏ.