Vấn đề - Nhận định

Một “deadline” quan trọng của ngân hàng Việt đang tới gần

Trần Thúy 12/07/2023 - 08:43

Hiện có rất ít ngân hàng ở Việt Nam công bố đã hoàn thành Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), trong khi "deadline" cho giai đoạn tự nguyện sẽ kết thúc năm 2025.

Trong bối cảnh kế toán được xem như là một “ngôn ngữ” kinh doanh toàn cầu thì việc đưa ra và áp dụng các chuẩn mực kế toán chung được coi là một biện pháp vô cùng có ý nghĩa, giúp các cơ quan quản lý, chủ sở hữu, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có công cụ để đánh giá và so sánh thông tin tài chính giữa các doanh nghiệp theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung để có thể đưa ra các quyết định kinh tế một cách phù hợp.

Đây cũng chính là lý do mà IFRS - International Financial Reporting Standards ra đời. IFRS là là các chuẩn mực kế toán do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành, nhằm đảm bảo cho báo cáo tài chính doanh nghiệp được minh bạch, nhất quán và có thể so sánh được trên toàn cầu.

Hiện, IFRS 9 là phiên bản cập nhật mới nhất, được ban hành thay cho chuẩn mực cũ là IAS 39 từ năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Trên thực tế, hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực đều đã áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS toàn phần hoặc một phần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Malaysia,… tạo ra một sân chơi minh bạch, thu hút và khuyến khích được các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Tháng 3/2020, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam, với lộ trình áp dụng IFRS dự kiến gồm 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn chuẩn bị được tiến hành từ năm 2020 đến hết năm 2021; Giai đoạn áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến hết năm 2025 và từ sau năm 2025 là giai đoạn bắt buộc áp dụng.

Chiếu theo lộ trình trên, các ngân hàng trong hệ thống sẽ chỉ còn hơn 2 năm nữa để hoàn thành giai đoạn áp dụng tự nguyện và bắt đầu triển khai bắt buộc. 

Có thể nói, IFRS vẫn là một bộ chuẩn mực tương đối xa lạ đối với các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng.

Nhiều thách thức phía trước


Việc lên lộ trình áp dụng IFRS một cách chi tiết được đánh giá là một bước đi quan trọng, cần thiết của cơ quan quản lý trong việc đưa các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, đồng thời, phát triển bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đối với hệ thống ngân hàng, đây là chuẩn mực xương sống, có ảnh hưởng trọng yếu tới số liệu tài chính vì khoảng 80% bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được hình thành bởi các công cụ tài chính.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tài chính của Techcombank - ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng IFRS 9 cho biết, IFRS 9 được coi là chuẩn mực mang các nguyên tắc kế toán gần hơn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xuất phát đầu tiên từ việc phân loại và đo lường các công cụ tài chính.

Lý giải rõ hơn, vị chuyên gia này cho biết, theo hệ thống chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS, nếu như việc phân loại công cụ tài chính vào các nhóm sẵn sàng để bán, giữ đến đáo hạn, hay là giữ để kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào các quy định cứng nhắc và ý chí chủ quan của doanh nghiệp (rule based) thì IFRS chuyển dịch sang mô hình phân loại theo hai nguyên tắc cơ bản (principle based), hướng tới việc số liệu tài chính cần phản ánh đúng mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Ngoài ra, nếu như cơ sở ghi nhận các công cụ tài chính của VAS là giá trị sổ sách thì IFRS hướng tới việc tối đa hóa phản ánh số liệu theo giá trị thị trường, giúp cho việc đo lường, đánh giá hiệu quả và quản trị các hoạt động kinh doanh của ngân hàng kịp thời và chính xác hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, IFRS9 cũng được coi là chuẩn mực bắc cầu giữa kế toán tài chính và quản trị rủi ro, khi phương thức trích lập dự phòng cho các tài sản tài chính đã chuyển dịch từ mô hình dựa trên tổn thất phát sinh sang mô hình dựa trên tổn thất kỳ vọng.

Trong VAS, công tác phân loại nợ được thực hiện chủ yếu trên các yếu tố định tính, dựa trên số ngày quá hạn của khách hàng khi tổn thất đã thực sự phát sinh để phân loại khách hàng vào 5 nhóm nợ. Từ đó, số liệu dự phòng được tính toán trên cơ sở áp dụng các tỷ lệ tổn thất xác định cho từng nhóm nợ cụ thể.

IFRS 9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, trong đó yêu cầu các ngân hàng phân chia các khoản nợ vào 3 giai đoạn, không chỉ dựa trên các yếu tố định tính mà cả các yếu tố định lượng như các dấu hiệu cảnh báo sớm hay khả năng gia tăng rủi ro tín dụng của khách hàng được thể hiện trong xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng.

Ngay từ thời điểm giải ngân, ngân hàng đã phải xác định tổn thất dự kiến đối với khách hàng trong vòng 12 tháng tiếp theo, khi khách hàng có các dấu hiệu gia tăng rủi ro được phân loại vào các giai đoạn xấu hơn, ngân hàng cần xác định tổn thất dự kiến cho toàn bộ vòng đời của khoản cho vay.

“Việc xác định dự phòng không theo các tỷ lệ xác định như VAS mà dựa trên mô hình ECL, trong đó, ngân hàng cần phải xây dựng các mô hình để tính toán xác suất vỡ nợ của khách hàng, tỷ lệ tổn thất khi vỡ nợ và giá trị của khoản vay/khoản đầu tư tại thời điểm vỡ nợ, trong đó có tính toán tới các biến số kinh tế vĩ mô để đo lường tổn thất trong tương lai”, chuyên gia cho biết.

Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một số ngân hàng như: Techcombank, VIB, TPBank, VPBank công bố đã hoàn thành chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS.

Thực tế cũng cho thấy, việc triển khai IFRS 9 thực sự là thách thức rất lớn với ngân hàng, đến từ nguồn lực, công cụ, dữ liệu, mô hình. Một báo cáo của hãng kiểm toán PWC công bố cho biết, trích lập dự phòng của các ngân hàng Malaysia đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9. Và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại của các nhà băng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc áp dụng thành công IFRS 9 cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc hoàn thiện khung quản trị rủi ro tín dụng cho ngân hàng, đến từ việc đánh giá và đo lường rủi ro khách hàng sớm hơn, chính xác hơn, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý trong xác định giá, trong việc quản lý khách hàng, đưa ra các quyết sách phù hợp về giải ngân, theo dõi và thu hồi nợ, giảm thiểu tối đa tổn thất cho ngân hàng.

Ngoài ra, với việc công bố, minh bạch các số liệu tài chính và chính sách quản trị rủi ro theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, ngân hàng có thể tạo dựng được niềm tin từ các nhà đầu tư, nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Trần Thúy