Vẫn có một số áp lực lên mặt bằng giá nửa cuối năm 2023
Mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo vẫn có một số áp lực lên mặt bằng giá cả trong nửa cuối năm, trong đó việc lương cơ bản tăng 20% sẽ tác động đến các hàng hóa, dịch vụ; giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm...
Khả năng CPI cả năm sẽ dưới 4%
Dù diễn biến của chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2023 có khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2022, song PGS.TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, nửa cuối năm, nền kinh tế Việt Nam tiềm ẩn sự gia tăng nhẹ chỉ số CPI và CPI bình quân cả năm 2023.
Nguyên nhân được PGS.TS. Vũ Duy Nguyên chỉ ra là, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 sẽ tác động đến tăng thu nhập và tiêu dùng của một bộ phận dân cư, qua đó tác động đến hành vi tiêu dùng tăng và tâm lý tăng giá bán hàng hóa.
Cũng đưa ra những dự báo về thị trường, giá 6 tháng cuối năm, PGS.TS. Phan Thế Công – Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Thương Mại) nhận định, khả năng cao CPI sẽ đảm bảo đạt khoảng 4,5% trong cả năm 2023. Phân tích cụ thể, PGS.TS. Phan Thế Công cho biết, hiện nay, giá nguyên nhiên vật liệu, xuất nhập khẩu có xu hướng tăng giảm khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung, nguyên nhiên vật liệu vẫn cao và tạo áp lực lên doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn. Áp lực sẽ tác động đến CPI cuối năm khi điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế giáo dục, từ đó tác động mạnh đến CPI. Nếu học phí tăng đúng lộ trình vào tháng 9 thì sẽ tác động mạnh đến CPI.
PGS.TS. Phan Thế Công cho rằng, việc tăng lương kể từ ngày 1/7/2023 sẽ kéo theo giá dịch vụ tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, khi tăng lương cơ bản thì giá lương thực thực phẩm sẽ có xu hướng tăng theo, trong khi giá này chiếm quyền số cao trong CPI. Tuy nhiên, mức tiêu dùng của Việt Nam đang thấp và luôn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa thiết yếu nên việc tăng lương có thể làm tăng giá hàng hoá nhưng mức tăng sẽ không đột biến.
Chính vì thế, PGS.TS. Phan Thế Công nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Đồng thời, tình hình mưa bão, thiên tai từ nay đến cuối năm sẽ làm ảnh hưởng đến các địa phương; Giải ngân đầu tư công tập trung vào cuối năm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế nước ta có thể đạt mức 6,3% - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.
Dự báo giá cả thị trường nửa cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp có tác động từ quý III/2023, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng được cải thiện… làm cho chi phí của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân có phần dễ chịu hơn. Một số chi phí khác như giáo dục, y tế, nước sạch có thể tăng những ở mức độ hợp lý.
“Đi đôi với đó là việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách phù hợp. Như vậy, khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8- 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Thận trọng, linh hoạt trong điều hành giá
Đưa ra một số khuyến nghị để điều hành giá, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, trước hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, tăng cường việc kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện… cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung.
PGS.TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính khuyến nghị, cần tăng cường thực hiện đầu tư công theo ngân sách 2023 được Quốc hội phê duyệt, kết hợp với tăng cường kiểm soát hiệu quả, kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào của các dự án công làm cơ sở thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, tuy nhiên, phải kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh.
Nhận thức rõ về những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng cuối năm, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.
Đồng thời, đại diện Cục Quản lý Giá cũng nhấn mạnh, sự chủ động cũng phải tiếp tục đến từ các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quản lý giá theo thẩm quyền.
Cụ thể: tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo Cục Quản lý Giá, đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai, trong điều kiện nếu dư địa lạm phát tương đối rộng, để mục tiêu lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%, các bộ, ngành cần tận dụng thời điểm để chủ động sớm các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm. Qua đó để hạn chế tác động cộng hưởng và giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo.
Song song với đó, cũng cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.
Ngoài ra, Cục Quản lý Giá nêu rõ, trong nửa cuối năm 2023, cần tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi).
Đặc biệt, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Nêu ra một số giải pháp hướng đến ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, PGS.TS. Phan Thế Công nhấn mạnh, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, phải theo dõi chặt chẽ thị trường, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... để có biện pháp điều hành phù hợp.