“Những gì xấu nhất của thị trường trái phiếu đã qua đi”
“Tôi cho rằng những gì xấu nhất của thị trường trái phiếu đã qua đi, thị trường đang bước vào giai đoạn phục hồi”, ông Phạm Minh Thắng, Trưởng phòng đầu tư, Nhà điều hành Quỹ VinaCapital-VFF, VinaCapital-VIBF nói.
Chia sẻ với nhà đầu tư về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong Talkshow tổ chức chiều ngày 14/7, ông Phạm Minh Thắng, Trưởng phòng đầu tư, Nhà điều hành Quỹ VinaCapital-VFF, VinaCapital-VIBF nhiều lần đánh giá thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất.
Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, ông Thắng cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, tỷ trọng giá trị trái phiếu đang lưu hành đã giảm còn 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so với giai đoạn thị trường bùng nổ cuối 2021 là 18,2% GDP, có nghĩa thị trường đã thu hẹp khoảng 30%, tương đồng với khó khăn của nền kinh tế vĩ mô.
Trong đó, trái phiếu chậm thanh toán tiếp tục tăng lên khoảng 98.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7,8% dư nợ toàn thị trường trái phiếu. Trong số trái phiếu chậm thanh toán có đến 73% thuộc lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn, ông Thắng vẫn thấy vài tín hiệu lạc quan của thị trường này.
Quý II/2023 trái phiếu phát hành mới tăng 6% so với quý I/2023, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2022. Doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, có 74.000 tỷ trái phiếu được mua lại trước hạn trong quý II/2023 vừa qua, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản thị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết quý II hồi phục tăng 45% so với quý I.
“Tôi cho rằng những gì xấu nhất của thị trường trái phiếu đã qua đi, thị trường đang bước vào giai đoạn phục hồi”, chuyên gia chia sẻ.
Đề cập tới các chính sách cho thị trường trong giai đoạn nhiều khó khăn này, ông Thắng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chưa bao giờ chứng kiến nhiều chính sách được ban hành như trong quý II/2023 vừa qua. Trong đó, có Nghị định 08, cho phép trái chủ được đàm phán với tổ chức phát hành trái phiếu.
Theo thống kê của VinaCapital đã có 12% trái phiếu chậm thanh toán được khắc phục, 60% trái phiếu chậm thanh toán hiện được tổ chức phát hành đàm phán để xử lý. Thực tế ghi nhận những trái phiếu được đàm phán ngoài tòa án sẽ rút ngắn thời gian xử lý so với phải đàm phán ở tòa án.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần cắt giảm lãi suất, đây là yếu tố quan trọng giúp thị trường trái phiếu hồi phục trong các quý tiếp theo. Khi lãi suất giảm, thanh khoản thị trường trái phiếu đã tăng. Cụ thể, thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp niêm yết quý II/2023 đã tăng 45% so với quý trước.
Về mặt bằng giá, trái phiếu đã quay về quanh mệnh giá so với giai đoạn khó khăn nhất là quý IV/2022, hầu như trái phiếu giao dịch ở mức chiết khấu khá cao. Ví dụ, trái phiếu có giá 100 đồng thì chỉ giao dịch ở 90-95 đồng.
“Ngoài ra, khi lãi suất thấp, doanh nghiệp bắt đầu có kế hoạch phát hành trái phiếu nhiều hơn. Tôi nhấn mạnh những gì khó khăn nhất của thị trường đã qua”, ông Thắng nói thêm.
Nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng cuối năm, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ bước vào giai đoạn phục hồi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản.
Ngoài ra, một điểm lưu ý, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 30 để xây dựng sàn giao dịch tập trung cho các trái phiếu riêng lẻ tại HNX, dự kiến vận hành quý III/2023. Chuyên gia đánh giá cao nỗ lực này của cơ quan quản lý, giúp cho thanh khoản thị trường trái phiếu cải thiện, nâng cao tính minh bạch, sự tiếp cận của nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.
Chia sẻ về cách vận hành của Quỹ VinaCapital, ông Thắng cho biết, ngoài đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, quỹ xây dựng hệ thống xếp tín nhiệm nội bộ riêng, đánh giá tất cả trái phiếu đầu tư vào, từ đó sàng lọc trái phiếu an toàn, có tỷ suất sinh lời tốt. Ngoài ra, quỹ xây dựng danh mục đa dạng hóa, tuân thủ quy trình quản trị nghiêm ngặt của quỹ cũng như Uỷ ban Chứng khoán.
“Trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn như quý IV/2022, nhiều trái chủ gặp khó thanh toán gốc và lãi nhưng toàn bộ trái phiếu trong danh mục của quỹ vẫn trả đầy đủ gốc và lãi, thậm chí có doanh nghiệp xin mua lại trái phiếu trước hạn”, ông Thắng cho biết.
Thông tin thêm về cách phân bổ danh mục nửa sau 2023, chuyên gia nêu, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn gặp một vài rủi ro trong nửa cuối 2023, quỹ hướng tới việc quản trị thận trọng. Quỹ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào trái phiếu có hệ số tín nhiệm đủ tiêu chuẩn, đầu tư vào các ngành tiện tích, tiêu dùng, tài chính, hạ tỷ trọng ngành bất động sản, duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý để đảm bảo thanh khoản.