Các cảng khu vực Đông Nam Á cần “xanh hóa” để phát triển bền vững
Cảng xanh, Cảng điện tử và các giải pháp tăng hiệu quả khai thác cảng cũng như các phương pháp quản lý hiệu quả nguồn nhân lực để tối ưu hóa hoạt động của cảng biển và chuẩn bị nguồn nhân lực hướng đến phát triển cảng bền vững chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đây là những nội dung chính được chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững” do Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) phối hợp cùng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) tổ chức chức tại Việt Nam sáng nay (ngày 14/7).
Phát triển bền vững - xu thế tất yếu của ngành cảng biển
Cảng biển là cửa ngõ cần thiết để hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển trên toàn thế giới, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa, bảo đảm giao thương giữa các quốc gia nhưng cảng biển cũng là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường xung quanh các nhà khai thác cảng hàng đầu trên thế giới luôn phải bảo đảm rằng quá trình phát triển, xây dựng, mở rộng đều được lập kế hoạch và quản lý cẩn thận. Bởi trong tương lai, các cảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng bị siết chặt hơn về các quy định cắt giảm khí thải, giảm thiểu mức độ ô nhiễm không chỉ từ các khách hàng, hãng tàu mà còn từ các cảng đích tại nhiều khu vực trên thế giới.
Do vậy, phát triển cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của chính phủ các nước, các tổ chức hiệp hội quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội APA, Phó Tổng Giám đốc SNP cho biết, ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Trong bối cảnh giao thương quốc tế ngày càng tăng, nhu cầu phát triển một hệ sinh thái ngành hàng hải bền vững và thân thiện hơn với môi trường ngày càng được các cảng khu vực Đông Nam Á chú trọng.
Từng thành phần của ngành hàng hải và cảng biển cần được phát triển song hành theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bao gồm 5 yếu tố quan trọng: Cảng thông minh, tàu thông minh, dịch vụ logistics thông minh, công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực hàng hải.
Hội thảo có sự tham gia của cảng Singapore, là cảng có sản lượng cao thứ 2 thế giới, cũng là cảng tiên phong trong phát triển dự án Tuas Megaport tiên tiến, hiện đại, tự động và những giao thức nhằm tối ưu kết nối dữ liệu giữa các bên liên quan trong chuỗi hàng hải;
Đại diện Hiệp hội Cảng biển khối APEC và SNP sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quản trị nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững; Công ty Cavotec chuyên cung cấp điện bờ cho tàu và thiết bị neo tàu tự động sẽ cho thấy các công nghệ mới trong khai thác cảng giúp giảm thải carbon, tăng cường nhiên liệu tái tạo; trong khi cảng Thái Lan sẽ đem đến những giải pháp nâng cao hiệu suất hoạt động cảng. Tất cả đều cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển chuỗi dịch vụ hàng hải – cảng biển – logistics xanh và bền vững.
“Qua Hội thảo hôm nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm cách thức mới, hiệu quả và sáng tạo để cải thiện, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động khai thác cảng, đồng thời nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường”, ông Quỳ nhấn mạnh.
Triển khai cơ chế hàng hải một cửa để giảm thiểu thời gian neo đậu tàu tại các bến cảng
Hiện việc tìm kiếm phương pháp quản lý cảng an toàn, được xã hội chấp nhận, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường đồng thời tối đa hóa lợi nhuận đang được các cảng quan tâm.
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ các chủ đề quan trọng như phương pháp triển khai cơ chế hàng hải một cửa để giảm thiểu thời gian neo đậu tàu tại các bến cảng, phương pháp xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho cảng xanh có khả năng thích nghi và phát triển trong thời đại số, hay giải pháp điện bờ nhằm cung cấp năng lượng sạch và bền vững cho các cảng, ...
Với vai trò chủ nhà, SNP đóng góp các biện pháp hiệu quả, đã và đang triển khai để phát triển nguồn nhân lực cho mô hình cảng xanh và thông minh của đơn vị. Trong khi đó, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cảng biển khu vực Đông Nam Á mang đến các nghiên cứu và các giải pháp hiệu quả để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng biển trong khu vực mà còn chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm thực tế đang được áp dụng tại doanh nghiệp.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với các câu hỏi về kinh nghiệm trong ứng dụng hệ thống “ASEAN một cửa”, các rủi ro gặp phải khi các Cảng điện tử hóa ngày càng nhiều, song vấn đề tấn công mạng cũng ngày càng phức tạp, các giải pháp phòng tránh rủi ro khi bị tấn công mạng, giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho hệ thống điện tàu khi đến cảng và chuyển đổi sang dùng hệ thống điện bờ, phương pháp tinh gọn đảm bảo hiệu suất và hiệu quả khai thác cảng, chiến lược thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo phát triển cảng bền vững…