Quét mã QR để thanh toán tại các chợ truyền thống: Điểm tích cực tạo đột phá trong mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, các chủ sạp, các tiệm bán hàng tại một số chợ truyền thống đã dán bảng mã QR tại quầy để khách hàng, người dân mua hàng quét mã và thanh toán, chỉ bằng thao tác đơn giản, nhập số tiền thanh toán và hoàn tất giao dịch, rất nhanh chóng và tiện lợi.
Thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ngành ngân hàng đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có cả nhiệm vụ thông tin truyền thông; tư vấn và hướng dẫn khách hàng, người dân sử dụng những sản phẩm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền tiện ích và tiện lợi.
Sự chủ động này là cần thiết, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức tín dụng và của các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo và phong phú về hình thức chuyển tải thông tin. Tuy nhiên quá trình này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự tiếp nhận, nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, mua bán của người dân. Việc thay đổi thói quen này đã và đang diễn ra theo xu hướng tích cực, cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, nhất là giao dịch mua bán trên các trang thương mại điện tử; tại siêu thị, nhà hàng… và các điểm chấp nhận thanh toán thẻ.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng thẻ hiện nay đạt 18,5 triệu thẻ; số lượng máy POS đạt 135.876 máy, tăng 8,25% so với cuối năm, trong khi đó số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ tăng 8,34% và đạt 90.314 điểm trên địa bàn Thành phố. Đây là những những kết quả tích cực tạo điều kiện để ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng mở rộng trong lĩnh vực thương mại điện tử, giao thông công nghệ, siêu thị, nhà hàng; thanh toán lĩnh vực dịch vụ công, thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại và học phí, viện phí... Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn người dân sử dụng tiền mặt trong mua bán, thanh toán chi tiêu và tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình để phục vụ đời sống tại các chợ truyền thống.
Tại nhiều vùng quê của đất nước nói chung và tại chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố nói riêng, chợ không chỉ là nơi mua bán sản phẩm hàng hóa tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân, mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của người dân. Đặc biệt hình ảnh “chợ truyền thống, chợ quê” đã đi vào tiềm thức người dân. Vì vậy, giải pháp mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, không phải là thay thế hay thu hẹp chợ truyền thống mà là cải thiện và đổi mới mô hình chợ truyền thống theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động về quản lý, về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát huy các yếu tố văn hóa & phát triển du lịch… và về thanh toán theo hướng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, với những hình thức phù hợp, linh hoạt và tiện ích.
Trên thực tế một điểm rất đáng quan tâm và là điểm nhấn có thể tạo bước đột phá trong mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt, đó là nếu trước đây chủ yếu các chủ sạp, tiệm bán hàng tại các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh chấp nhận là điểm thanh toán thẻ, lắp đặt máy POS, thì hiện nay các chủ sạp, các tiệm bán hàng tại một số chợ truyền thống đã dán bảng mã QR tại quầy để khách hàng, người dân mua hàng quét mã và thanh toán, chỉ bằng thao tác đơn giản, nhập số tiền thanh toán và hoàn tất giao dịch, rất nhanh chóng và tiện lợi. Thậm chí, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh người mua thanh toán bằng mã QR cho người bán hàng rong.
Đây có thể nói là điểm sáng trong thanh toán không dùng tiền mặt và ở góc độ truyền thông, cần quan tâm để làm tốt, lan tỏa và phát huy để thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại ngày càng mở rộng và được sử dụng phổ biến tại các chợ truyền thống.
Sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống sẽ là giải pháp quan trọng nhất để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư. Bởi lẽ, chợ truyền thống vẫn là nơi mua bán chủ yếu, thường xuyên của đại bộ phận người dân, nhất là người dân tại các phường, xã; vùng ngoại ô, vùng nông thôn nơi mà nhu cầu hàng hóa cho sinh hoạt, tiêu dùng được đáp ứng chủ yếu từ chợ truyền thống.
Mặt khác, với đặc điểm của hình thức quét mã QR là tiện lợi, dễ sử dụng, ít thao tác, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, mở tài khoản ngân hàng vì vậy những yếu tố trên dễ tác động làm thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng tiền, giúp hình thức thanh toán này phát triển thuận lợi tại các chợ truyền thống - là nơi có thể tạo tính lan tỏa lớn. Vì vậy, các TCTD cần quan tâm, thực hiện các chính sách khuyến khích để các chủ cửa hàng, các sạp hàng, các tiểu thương, người dân… sử dụng mã QR để thanh toán. Để làm được điều này, các TCTD cần quan tâm và làm tốt việc tiếp tục tối ưu hóa tiện ích dịch vụ này, đồng thời làm tốt công tác thông tin truyền thông; công tác “bán hàng” mà khách hàng chính, khách hàng trung tâm là người dân, để sản phẩm này trở thành “bình dân” nhất, sử dụng phổ biến và rộng rãi, tạo ra bước phát triển đột phá trong thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế thời đại 4.0.