Thiết lập môi trường pháp lý giúp thúc đẩy hoạt động cho thuê tài chính
Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn có nhiều ưu điểm đối với các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Tuy nhiên, cho thuê tài chính chưa phát triển ở Việt Nam là do Việt Nam chưa có một môi trường pháp lý thuận lợi.
Trao đổi tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam” ngày 17/7, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết tiềm năng phát triển ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam là rất to lớn với một nền kinh tế năng động, hơn 800.000 doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… nên nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao.
Thông tin thêm, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cho thuê tài chính đã ngày càng được hoàn thiện, bao gồm: luật các TCTD từ điều 112 đến điều 116, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của NHNN về quản trị điều hành, về kiểm soát, về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.
Thực tế hoạt động của lĩnh vực cho thuê tài chính những năm qua chỉ có 10 công ty nhưng đã đạt kết quả đáng khích lệ: Trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn rất nhiều ưu điểm cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Tổng tài sản của các công ty cho thuê tài chính hội viên đạt trên 40.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho thuê đạt gần 33.000 tỷ đồng nếu tính toán cả các công ty cho thuê tài chính có mặt trên thị trường thì dư nợ cho thuê đạt khoảng gần 40.000 tỷ đồng, bằng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.
Khi đi thuê tài chính các doanh nghiệp, hộ dân không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ vốn để đầu tư tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó một số công ty cho thuê tài chính còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính...
Tuy nhiên, hoạt động cho thuê tài chính còn có những khó khăn hạn chế mà ở đó nguyên nhân quan trọng là từ hành lang pháp lý quy định về hoạt động của cho thuê tài chính cũng như chính sách về thuế, phí đối với loại hình hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này.
Chia sẻ về những rào cản của các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính TNHH MTV BIDV (BSL), cho viết, về mặt tổ chức, công ty cho thuê tài chính không được bổ nhiệm người quản lý của ngân hàng mẹ giữ vị trí quản lý tại công ty; Luật các TCTD hiện tại chưa cho phép công ty cho thuê tài chính được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, chưa được phép cung ứng dịch vụ tín dụng khác như bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá; các dịch vụ phi tín dụng không rủi ro như môi giới (ngoại trừ môi giới bảo hiểm)... Không được vay từ 1 năm trở lên tại các TCTD (trừ ngân hàng mẹ) (Thông tư 21/2012/TT-NHNN, Thông tư 01/2013/TT-NHNN). Giới hạn các nguồn thu của công ty cho thuê tài chính. Một số chỉ tiêu giới hạn ở mức cao tương đương ngân hàng thương mại (Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 23/2020/TT-NHNN).
Ngoài ra, một số điều kiện quá chi tiết, cụ thể không còn phù hợp với bối cảnh mới và cũng có thể gây hiểu nhầm, rủi ro cho công ty trong hoạt động….
Ông Nguyễn Thiều Sơn đề nghị các cơ quan quản lý rà soát, sửa đổi các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo nhất quán, cụ thể: Luật Các TCTD, Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư 30/2015/TT-NHNN và các quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính và hoạt động của các công ty cho thuê tài chính.
“NHNN với vai trò là cơ quan chủ quản, phối hợp với các cơ quan chức năng khác (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Công thương,...) nhằm xây dựng hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ, làm cơ sở cho các công ty cho thuê tài chính thực hiện nghiệp vụ một cách an toàn, hiệu quả”, ông Sơn đề xuất.
Bên cạnh đó, cần rà soát Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP và đưa vào các chế tài đối với việc xử lý tài sản thuê tài chính tương đương hoặc cao hơn cả tài sản đảm bảo; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế GTGT và các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính.
Có các chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính thông qua việc khuyến khích sử dụng dịch vụ/tài sản thuê tài chính; giải pháp tăng cường truyền thông, phổ biến về dịch vụ thuê tài chính đến thị trường.
Dưới góc nhìn quốc tế, ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng Nhóm phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính, Khu vực châu Á- Thái Bình Dương, IFC, cho rằng, cho thuê tài chính chưa phát triển ở Việt Nam là do Việt Nam chưa có một môi trường kinh doanh thuận lợi. Chuyên gia này đặt ra câu hỏi, liệu đã có nhìn nhận đúng đắn về vai trò của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nền kinh tế chưa và Việt Nam có quản lý ngành này khác với ngân hàng không?
Ông Jinchang Lai đề xuất, Việt Nam cần có luật và tư duy khác đi. Nếu gộp chung trong một luật, cần tách bạch rõ yêu cầu quản lý và giám sát đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm mở rộng quy mô cho thuê tài chính tại Việt Nam, ông Jinchang Lai cho rằng, các công ty cho thuê tài chính cần quản trị công ty tốt; có chiến lược đầy đủ; phương pháp luận tín dụng phù hợp, nhân sự, quản lý rủi ro, cơ cấu ưu đãi,... phù hợp với phân khúc tương ứng.
Đồng thời, yêu cầu gia nhập công bằng, cạnh tranh đầy đủ, quy định dựa trên rủi ro, chuẩn mực và điều kiện hoạt động thực tế, phát triển các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, cơ sở hạ tầng vận hành và dịch vụ hỗ trợ bên thứ ba độc lập, cơ chế thuế, chuẩn mực kế toán.
Hơn nữa, cần sắp xếp thể chế và pháp lý cho phép bên cho vay hay tổ chức tài trợ vượt qua các khó khăn về thông tin, chính sách ưu đãi và chi phí giao dịch trong hoạt động tài trợ nợ vay.
“Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển hơn nữa ngành cho thuê tài chính. Sẽ không thể khai thác được tiềm năng này trừ khi có nhận thức mạnh mẽ về vai trò của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng”, ông Jinchang Lai nói.