IMF: Kinh nghiệm từ tiền điện tử để các ngân hàng trung ương có thể thành công với CBDC
Khi các công nghệ mới nổi hội tụ, thế giới hướng tới các hình thức thanh toán và tiền kỹ thuật số mới. Hơn 100 quốc gia đang khám phá tiềm năng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), một số ngân hàng trung ương (NHTW) đã bắt đầu triển khai các dự án thí điểm hoặc thậm chí là đã phát hành đồng CBDC của riêng mình.
Mặc dù nhìn chung có sự đồng thuận về việc CBDC nên cùng tồn tại với các hình thái tiền tệ hiện có để bổ khuyết cho các loại tiền tệ đó, song tốc độ áp dụng loại tiền này vẫn chậm chạp.
Điều này có thể là do những tác động tiềm ẩn và điều kiện tiên quyết của việc số hóa đồng tiền của NHTW. Tuy nhiên, các NHTW cần đạt được các mục tiêu chính sách quan trọng, bao gồm tài chính toàn diện và các biện pháp thay thế sử dụng tiền mặt.
Để đảm bảo triển khai CBDC thành công, việc học hỏi từ các sáng kiến đổi mới về thanh toán trong quá khứ và tìm hiểu các động lực có thể dẫn dắt quá trình áp dụng này là rất cần thiết.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có 4 bài học quan trọng có thể định hướng cho việc triển khai và phát triển CBDC, bao gồm: các thuộc tính mà CBDC nên sở hữu, các kênh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng CBDC, vai trò của các NHTW trong việc khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ CBDC và thiết lập các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu.
Vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán
Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về vai trò, chức năng của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP) trong việc áp dụng CBDC. Hầu hết các thử nghiệm CBDC đều áp dụng cơ chế hai lớp kết hợp các mô hình “lai” và “trung gian”.
Các NHTW đã thiết kế các cấu trúc phí và mô hình định giá, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều phân tích về cơ chế khuyến khích và mô hình kinh doanh của các PSP như kiểu đối với ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng.
Trừ khi các PSP có thể thiết lập các mô hình kinh doanh bền vững để cung cấp CBDC, nếu không việc áp dụng CBDC sẽ bị hạn chế trong việc đạt được các mục tiêu chính sách của các NHTW.
Phân tích này rút ra bài học từ 6 ứng dụng tiền điện tử châu Á được vận hành bởi các công ty hoặc nền tảng công nghệ (thường được gọi là “Big Tech”), bao gồm: Alipay, WeChat Pay, Paytm, GoPay, GrabPay và ShopeePay.
Các chương trình này đã thành công việc thúc đẩy áp dụng tiền điện tử bằng cách đáp ứng nhu cầu của người dùng đối với các dịch vụ thanh toán, nhờ vào việc khai thác khéo léo các yếu tố lợi thế kinh tế theo quy mô và phạm vi.
Các thuộc tính chính và kênh áp dụng của các chương trình tiền điện tử này có thể là công cụ để áp dụng CBDC. Ngoài ra, các quốc gia có thể khai thác CBDC để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong các hệ thống thanh toán.
CBDC nên thể hiện được 4 thuộc tính chính: tin cậy, tiện lợi, hiệu quả và bảo mật. Việc áp dụng CBDC có thể được tạo điều kiện thông qua công nghệ kỹ thuật số, nhắm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể, phát triển mô hình kinh doanh bền vững và tuân thủ các yêu cầu quy định pháp lý .
Tăng trưởng nhanh ở châu Á
Sự gia tăng của các chương trình tiền điện tử ở châu Á do nhiều yếu tố khác nhau, đã tạo ra môi trường thuận lợi cho loại tiền này phát triển nhanh chóng.
Khu vực châu Á có dân số trẻ, mật độ dân số đô thị cao, tỷ lệ thâm nhập ngân hàng và tài chính toàn diện ở mức thấp, tầng lớp trung lưu đang phát triển và xu hướng chuyển hướng sang sử dụng công nghệ. Các yếu tố này đã giúp các chương trình tiền điện tử vượt qua rào cản về thanh toán thông thường.
Mặc dù mức độ tập trung thị trường cao, nhưng sự cạnh tranh trong ngành này rất khốc liệt, thể hiện qua sự cạnh tranh giữa Alipay và WeChat Pay ở Trung Quốc.
Vào đầu những năm 2000, các dịch vụ thanh toán ở châu Á thiếu các thuộc tính quan trọng như sự tiện lợi, hiệu quả và tin cậy. Khi các lĩnh vực như thương mại điện tử, mạng xã hội, giao thông vận tải, giao đồ ăn và phương tiện truyền thông trực tuyến ngày càng phổ biến, các dịch vụ thanh toán hiện có lúc đó không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.
Hơn nữa, các mô hình mua bán đa dạng ở nhiều quốc gia châu Á đòi hỏi các giải pháp thanh toán tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng và hiệu quả hơn.
Trong khi đó, các hệ thống thanh toán dựa trên ngân hàng châu Á vào đầu những năm 2000 chưa cung cấp được các dịch vụ thanh toán thuận tiện, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm chi phí. Ví dụ, hệ thống thanh toán của Trung Quốc bị cản trở bởi môi trường xử lý thanh toán lỗi thời và chưa có thị trường thẻ tín dụng phát triển.
Ở Indonesia, phần lớn dân số vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, dẫn đến tăng trưởng thương mại điện tử bị hạn chế. Ngoài ra, tỷ lệ chấp nhận của người bán thấp và việc sử dụng ngân hàng số hạn chế càng cản trở sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử trong nước.
Thúc đẩy đổi mới tài chính để xây dựng lòng tin và sự tự tin
Trong quá trình chấp nhận tiền điện tử ở châu Á, có những giai đoạn khác biệt có thể minh họa cho sự phát triển của phương thức thanh toán kỹ thuật số này. Giai đoạn đầu tiên tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới tài chính để xây dựng lòng tin và sự tự tin của người dùng.
Để thiết lập nền tảng của sự tin tưởng, 6 chương trình tiền điện tử đã thực hiện các cơ chế bảo vệ giao dịch của khách hàng. Điều này bao gồm việc kết nối các dịch vụ thanh toán ví điện tử với các tài khoản ký quỹ ngân hàng được quy định và tung ra các chương trình bồi thường để tạo niềm tin.
Điều đáng chú ý là Alipay đã đóng vai trò tiên phong bằng cách thực hiện chính sách hoàn trả đầy đủ cho người dùng đối với bất kỳ tổn thất nào do các hoạt động gian lận gây ra.
Các biện pháp tương tự cũng được giới thiệu bởi các nền tảng tiền điện tử nổi bật khác như GoPay, GrabPay, ShopeePay và Paytm. Những nỗ lực chung này nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo cho người dùng về tính bảo mật của các giao dịch tiền điện tử
Tận dụng công nghệ số
Việc áp dụng tiền điện tử ở châu Á có thể được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, trọng tâm là thúc đẩy đổi mới tài chính để xây dựng lòng tin và sự tự tin của người dùng.
Các chương trình tiền điện tử áp dụng các cơ chế bảo vệ các quỹ và giao dịch, chẳng hạn như kết nối ví điện tử với các tài khoản ký quỹ được quy định và đưa ra các chương trình bồi thường cho các tổn thất do gian lận. Điều này thiết lập một nền tảng tin cậy và đảm bảo cho người dùng.
Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc tận dụng công nghệ số, nhắm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể và phát triển các mô hình kinh doanh bền vững để nâng cao sự thuận tiện và hiệu quả.
Các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử sử dụng mã QR như một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí đối với thẻ tín dụng, cho phép thực hiện các giao dịch trực tuyến và ngoại tuyến rẻ hơn và nhanh hơn. Bằng cách kết hợp các dịch vụ tiền điện tử với các nền tảng như thương mại điện tử, gọi xe, mạng xã hội, trò chơi và thanh toán xuyên biên giới, các nhà cung cấp đã tạo ra trải nghiệm người dùng liền mạch và mở rộng mạng lưới của mình.
Để đảm bảo doanh thu bền vững, các PSP thu phí chủ yếu từ người bán hơn là người tiêu dùng. Họ tạo ra lợi nhuận từ việc gửi tiền của khách hàng và thực hiện trợ cấp chéo bằng cách hỗ trợ các dịch vụ tài chính khác.
Quản lý chi phí cũng rất quan trọng. Các PSP sử dụng công nghệ số để giảm chi phí cố định và đưa ra các chiến lược định giá phù hợp với người bán và khách hàng.
Tuân thủ chính sách pháp luật và quy định để tăng cường an toàn bảo mật
Các PSP tiền điện tử ở châu Á đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ và đã tuân thủ các quy định pháp lý để tăng cường an ninh, an toàn trong sử dụng tiền điện tử.
Các chính phủ, chẳng hạn như ở Trung Quốc, đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ làm nền tảng cho thanh toán tiền điện tử và thực hiện các chính sách để thúc đẩy tài chính số. Ví dụ, chính sách giảm bớt sử dụng tiền mặt của Ấn Độ đã có vai trò trong việc thu hút khách hàng mới đến với các nền tảng như Paytm.
Thông qua việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của khung pháp lý, một số công ty đã mua hoặc có được các giấy phép cần thiết. Ví dụ, Alipay đã có giấy phép thanh toán, đồng thời mở rộng danh mục đầu tư của mình bằng các giấy phép bổ sung phù hợp với các dịch vụ tài chính.
Tương tự, GoPay và GrabPay cũng đã có các giấy phép cần thiết thông qua việc mua lại và hợp tác chiến lược. Hơn nữa, các PSP đã tuân thủ tỉ mỉ các quy định về tiền điện tử, công nghệ và bảo mật thông tin của khách hàng.
Ví dụ, Alipay đã chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc của mình tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, GoPay và GrabPay tuân thủ các tiêu chuẩn đối với mã QR và làm việc với các cơ quan quản lý để hỗ trợ tiêu chuẩn hóa. Việc tuân thủ các quy định đảm bảo cho việc bảo vệ người dùng và củng cố niềm tin vào các hệ thống tiền điện tử.
Những điểm đáng chú ý chính từ việc áp dụng tiền điện tử ở châu Á
Việc áp dụng tiền điện tử ở châu Á mang lại những thông tin có giá trị cho việc áp dụng CBDC. Các PSP đã tận dụng công nghệ kỹ thuật số, nhắm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể và tuân thủ các quy định để thúc đẩy sự thuận tiện, hiệu quả và tin cậy của người dùng. Điều này cùng với việc sử dụng dữ liệu chiến lược cho phép các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa và có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, việc duy trì quyền riêng tư và khả năng cạnh tranh trên thị trường vẫn rất quan trọng.
Những bài học này rất quan trọng đối với việc triển khai CBDC. Các nhà cung cấp CBDC cần áp dụng các chiến lược tương tự, tập trung vào khả năng mở rộng, sự tiện lợi, kết nối người mua-người bán, mô hình kinh doanh trang trải chi phí và tuân thủ các yêu cầu pháp lý, bao gồm phòng, chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) và bảo vệ quyền riêng tư.
CBDC cũng có thể giải quyết vấn đề liên quan đến "Data Silo" - một nhóm dữ liệu thô có thể truy cập được bởi một bộ phận nhưng bị cô lập khỏi phần còn lại của tổ chức đó - được thấy trong PSP tiền điện tử và tăng cường cạnh tranh. Các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu dựa trên sự đồng ý của người dùng có thể tích hợp CBDC vào các hệ thống hiện có, phá vỡ tình trạng độc quyền dữ liệu và tận dụng dữ liệu mà không vi phạm quyền riêng tư. Hơn nữa, CBDC có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và đặt tài sản tư nhân dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Với sự hỗ trợ chính sách và hướng dẫn rõ ràng, các NHTW có thể tận dụng CBDC để quản lý bối cảnh tài chính đang phát triển, bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết cạnh tranh. Những bài học này rất cần thiết đối với các cấu trúc kinh tế và bối cảnh thanh toán khác nhau để áp dụng CBDC hiệu quả.