“Ôm” loạt dự án khủng, Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền báo lãi 66 tỷ đồng
Theo báo cáo mới được công bố, năm 2022, Geleximco đạt hơn 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 488 tỷ đồng của năm 2021.
Tập đoàn Geleximco mới đây đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính từ ngày 1/1-31/12/2022.
Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp này đạt hơn 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 488 tỷ đồng của năm 2021.
Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2022, Geleximco đang có hơn 11.516 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu cũng giảm nhẹ từ 1,61 lần xuống còn 1,43 lần. Dư nợ trái phiếu/ vốn chủ sở hữu là 0,36 lần.
Danh sách một số lô trái phiếu của Geleximco
Về dư nợ trái phiếu, thống kê trên Sở HNX cho thấy, thời gian qua, Tập đoàn Geleximco đã phát hành hàng chục lô trái phiếu, tuy nhiên, hiện nay phần lớn các lô trái phiếu này đã được hủy bỏ.
Hiện chỉ còn một số lô trái phiếu sắp đến hạn, gồm: Geleximco.bond.2020.202 sẽ đáo hạn vào ngày 21/10/2023 với khối lượng phát hành là 14.973 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu; Lô trái phiếu GLXCH2123001 có thời hạn thanh toán là 10/11/2023, số lượng lưu hành là 100.000 trái phiếu; Lô trái phiếu GLXCH2123003 có thời hạn thanh toán là ngày 31/12/2023, số lượng lưu hành là 100.809 trái phiếu; Lô trái phiếu GLXCH 2124002 có thời hạn thanh toán là ngày 10/11/2024 khối lượng lưu hành là 97.973 trái phiếu
Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Năm 2001, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, hợp tác với Tập đoàn LILAMA đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu đô.
Năm 2007, công ty chuyển đổi từ loại hình TNHH sang CTCP và hiện vốn chủ sở hữu đã lên tới 14.500 tỷ đồng. Geleximco xây dựng mô hình phát triển đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính ngân hàng; bất động sản và thương mại dịch vụ.
Chủ tịch Tập đoàn là "đại gia" Vũ Văn Tiền – đồng thời cũng nắm giữ vị trí cao nhất tại nhiều công ty thành viên như Giấy An Hòa, Xi măng Thăng Long…. Với mảng tài chính, ông Tiền từng là Chủ tịch Chứng khoán An Bình, đáng chú ý, năm 2018 ông Tiền bất ngờ rời ghế Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBank) để lui về tập trung thực hiện những hoạt động kinh doanh khác.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, Geleximco được biết đến với nhiều dự án lớn tại Hà Nội và một số tỉnh thành lớn trên địa bàn cả nước, như: Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, An Bình Plaza (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh)…; trong đó, nổi bật nhất là dự án Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn có quy mô 135ha chạy dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn tại Hoài Đức.
Trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
Còn lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập đoàn sở hữu sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club. Hiện doanh nghiệp này đang có ý định tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…