Tin tức

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ

A.Đ 19/07/2023 - 09:16

Ngày 18/7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.

img1820-1-1689677048561989811888.jpg

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hệ thống cảng, sân bay quốc tế thuận lợi, Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics,… với hạt nhân là đô thị đặc biệt TPHCM - trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng và cả nước.

Hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Có trên 11.800 km đường bộ, đã hình thành trục hướng tâm TPHCM; 2 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Côn Đảo); đường thủy nội địa mật độ lớn, chảy qua hầu hết trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp; 218 cầu cảng biển dài gần 38 km, chiếm 38,8% chiều dài và 43,2% tổng lượng hàng hóa qua cảng của cả nước. Sắp tới sẽ có tuyến đường cao tốc kết nối Mộc Bài - TPHCM, TPHCM - Vũng Tàu… tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa các nước ASEAN đến TPHCM, Vũng Tàu…

Sự liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố ngày càng được tăng cường và có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp khoảng hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng những năm gần đây có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.

Quá trình phân cấp giữa Trung ương và các địa phương đã và đang diễn ra mạnh mẽ, các địa phương ngày càng được trao quyền nhiều hơn để tạo sự chủ động, sáng tạo hơn trong điều hành. Tuy nhiên, việc trao quyền nhiều hơn cho địa phương chưa có sự điều phối, phối hợp giữa các địa phương trong vùng.

Cùng với sự phát triển, hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

img1819-2-16896770485241452580049.jpg

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận liên quan các vấn đề như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; lập quy hoạch TPHCM với vai trò trung tâm vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam Bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, trăn trở với việc triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về 6 vùng kinh tế - xã hội và Chính phủ đã ban hành chương trình hành động triển khai các nghị quyết này.

Riêng với vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chỉ một tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 và đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "Tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ. Tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác, nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của vùng".

Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Đánh giá cao các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội đồng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cũng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Tinh thần là lấy TPHCM làm đầu tàu, làm mẫu cho cả vùng và cả nước.

Hội nghị đã thống nhất cao về các hoạt động trọng tâm của Hội đồng điều phối, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, các đồng chí Bí thư, các đồng chí thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lưu ý các thỏa thuận liên kết giữa các chính quyền địa phương trong vùng phải thực chất, hiệu quả không hình thức.

Thứ hai, về điều phối, các thành viên Hội đồng cần tích cực đóng góp ý kiến, phát huy vai trò điều phối của Hội đồng vùng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia. Các địa phương sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, nhất là TPHCM. Thủ tướng cho biết ông và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch TPHCM và quy hoạch vùng để hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng tạo không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng.

Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn; phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, UBND TPHCM tích cực làm việc đề ra nhiều chính sách đột phá, vượt trội cho Thành phố. Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để đề xuất các chính sách đột phá, phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thứ tư, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng điều phối vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Thứ năm, về điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác. Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của cả nước, đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu các cơ chế, chính sách và có các hoạt động điều phối, liên kết cụ thể.

Thứ sáu, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

A.Đ