Chứng khoán

"Co giật" trước phiên đáo hạn phái sinh, cắt đứt chuỗi 8 phiên tăng điểm 

Mai Hương 19/07/2023 - 16:43

Sự phân hóa lại tiếp diễn và chỉ những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ mới đi ngược lại thị trường. Nhóm cổ phiếu Bluechips đã tạo ra khá nhiều "rung lắc" và buộc chuỗi phiên tăng điểm của thị trường dừng lại ở con số 8.

Định vị thị trường

Kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của các ngân hàng và doanh số bán lẻ thấp hơn kỳ vọng tại Mỹ đã giúp thị trường nước này có phiên tăng mạnh trong đêm qua. Dow Jones đã tăng 1,06% còn S&P 500 tăng 0,71%.

Tại châu Á, phản ứng trái chiều nhưng thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản đã có phiên lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn. Đường MA20 đã được NIKKEI 225 vượt qua với mức tăng 1,24%.

Trong khi đó, các chỉ số KOSPI (+0,02%), CSI 300 (-0,11%), TWSE (-0,65%) và VN-Index đã không thực sự có sự rõ ràng về xu hướng. VN-Index đã bị cắt đứt chuỗi 8 phiên tăng điểm nhưng cũng chỉ giảm 0,09%.

Chất xúc tác

Sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 7 vào ngày mai (20/8) là nguyên nhân chính tác động vào tâm lý thị trường. Theo công bố, khối lượng mở của HĐTL VN30 tháng 7 trước phiên hôm nay đã được thu hẹp còn 44.500 đơn vị. Con số này chưa thực sự thấp nên việc có thể xuất hiện "rung lắc" là khó tránh khỏi.

Dù vậy, khi tiền ngoại vẫn tiếp tục trên thị trường cơ sở và dòng tiền vẫn tiếp tục vận động ở mức cao, mức độ "sát thương" của kỳ đáo hạn phái sinh cũng không lớn.

khoingoai197a.png

Theo thống kê, khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng gần 230 tỷ đồng trên HOSE trong khi khớp lệnh của sàn cũng đã đạt trên mức bình quân 20 phiên, đạt 798 triệu đơn vị.

Vận động nhóm ngành
Nhóm cổ phiếu VN30 có tới 19/30 mã giảm giá khi đóng cửa. Biên độ của những cổ phiếu Bluechips thực tế không lớn như VIC (-1%), BID (-1%), VPB (-1,4%), GAS (-0,9%), VHM (-0,51%) nên nhiều thời điểm VN30 và VN-Index vẫn có thể bật lên để tăng điểm.

Một số mã lớn như VCB (+2,1%), HDB (+2,4%), HPG (+0,7%), MWG (+0,9%) vẫn tạo được ảnh hưởng giúp 2 chỉ số tạo sự đối kháng. Với riêng VCB, phiên hôm nay còn là ngày khai trương hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà VCB sẽ đảm nhận vai trò ngân hàng thanh toán. Mức giá đóng cửa tại 106.500 đồng/cổ phiếu của VCB là mức đỉnh từ trước đến nay.

Được biết, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý II của Vietcombank (VCB) đạt khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Dù vậy với số lượng đông đảo các Bluechips giảm và cùng với việc VHM ngả theo sắc đỏ vào phiên ATC, VN-Index và VN30 đều phải đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index chốt phiên giảm 1,11 điểm (-0,09%) xuống 1.172,98 điểm. Tổng giá trị giao dịch vẫn cao hơn mức bình quân của tháng 6 và đầu tháng 7, đạt 17.685 tỷ đồng.

Sự phân hóa tiếp diễn trên sàn với sắc đỏ chiếm 52% số mã. Nhóm chứng khoán, thép, bất động sản, dầu khí hầu hết cũng giảm giá trong đó các mã KDH, LDG, DXG, TDC, TDC, POM giảm hơn 3%.

Chỉ một số mã như DHA (+7%), BMP (+7%), SZC (+7%) nằm ở nhóm vật liệu xây dựng và khu công nghiệp có vận động cá biệt. Kết quả kinh doanh của DHA và SZC trong quý II/2023 đều ghi nhận đột biến, trong khi BMP nhiều khả năng cũng lãi mạnh nhờ giá hạt nhựa giảm. Thị giá BMP đã đạt mức "3 chữ số" là 101.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay trong khi DHA đã báo lãi tăng 1.970% còn SZC báo lãi tăng cũng tăng tới 57%.

Trên HNX, CEO (+9,8%), L14 (+5,14%), NTP (+4,5%) là những cổ phiếu tích cực nhất. Chỉ số HNX-Index đã tăng 0,22% lên 231,47 điểm. Giá trị giao dịch đạt 1.674 tỷ đồng

Còn UPCoM-Index tăng 0,13%, lên 87,13 điểm với giá trị giao dịch đạt 780 tỷ đồng.

Mai Hương