Ngân hàng bắt đầu phát hành trái phiếu mạnh trở lại sau gần 5 tháng trầm lắng
Các ngân hàng thương mại trong nước phát hành 17.900 tỷ đồng, chiếm 2/3 lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 6/2023. Nếu tiếp tục duy trì, xu hướng này được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2023, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng
6/2023 với tổng giá tị 8.170 tỷ đồng và không có đợt phát hành nào ra công chúng.
Xây dựng - bất động sản đang là nhóm dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6, chiếm 47,5% giá trị phát hành.
Nhóm tài chính ngân hàng sau nhiều tháng im ắng đã phát hành trở lại với tỷ lệ 39% giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành tháng 6/2023. OCB là nhà phát hành lớn nhất nhóm ngân hàng với 3 đợt phát hành, giá trị 2.000 tỷ đồng. Các nhà phát hành lớn tiếp theo là: BIDV (490 tỷ đồng), NamABank (400 tỷ đồng).
Đưa ra nhận định về xu hướng trên, CTCK Maybank (MSVN) cho biết: “Sau những lo sợ ban đầu về quy định mục đích sử dụng vốn theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, điều mà chúng tôi cho rằng không phù hợp với bản chất kinh doanh tiền của hệ thống ngân hàng, các ngân hàng đã được bật đèn xanh để huy động vốn trở lại trên thị trường trái phiếu”.
Chuyên gia MSVN kỳ vọng, nếu xu hướng này tiếp tục sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Về hoạt động tái cơ cấu trái phiếu, MSVN thống kê từ HNX cho thấy, các ngân hàng thương mại đóng góp 3/4 lượng mua lại trái phiếu, trong khi các doanh nghiệp phi ngân hàng mua lại 8.850 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6. Các doanh nghiệp phi ngân hàng đã gia hạn được 12.830 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn thời gian gia hạn là từ 1 năm đến 2 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia MSVN cũng chỉ ra điểm tiêu cực trong bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 6 là lãi hoặc gốc của khoảng 12.470 tỷ đồng trái phiếu đã không thể thanh toán đúng hạn trong kỳ. Phần lớn số trái phiếu này thuộc về các doanh nghiệp bất động sản và điện.
Theo thống kê của Dragon Capital, trong tổng khối lượng xấp xỉ 300.000 tỷ đồng (12,8 triệu USD) trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2023, ước tính đã có 30 tổ chức phát hành thành công trong việc gia hạn thời điểm đáo hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm với tổng giá trị 36.000 tỷ đồng (1,53 tỷ USD), 62 tổ chức phát hành vẫn trong tình trạng vỡ nợ hoặc vỡ nợ kỹ thuật và đang trong quá trình đàm phán gia hạn.
Mặt khác, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với thời gian thanh toán T+0 đã chính thức được đưa vào vận hành vào ngày 19/7. Đây sẽ là bước tiến lớn về cơ sở hạ tầng dành cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giúp tập trung thông tin và tăng tính minh bạch cho thị trường.