Triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản trong bối cảnh hiện nay
So với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về quy mô gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, thì Chương trình tín dụng mà NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai có quy mô lớn hơn gấp 1,5 lần.
Ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 5631/NHNN-TD hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo hướng dẫn của NHNN tại văn bản nói trên, khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản được vay vốn theo Chương trình này với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Chương trình có quy mô tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Thời gian triển khai của Chương trình là đến hết ngày 30/6/2024.
Trước đó, tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận yêu cầu NHNN điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Như vậy, việc NHNN ban hành văn bản số 5631/NHNN-TD chính là để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị nói trên. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về quy mô gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, thì Chương trình tín dụng mà NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai có quy mô lớn hơn gấp 1,5 lần. Bên cạnh đó, tại văn bản này, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 19/7/2023, NHNN cho biết đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình nói trên, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Với việc Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được NHNN khẩn trương triển khai và các ngân hàng thương mại tích cực tham gia cho thấy, ngành ngân hàng đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâm - thuỷ sản cũng như các đối tượng khách hàng khác vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, bởi bên cạnh Chương trình này, hệ thống ngân hàng cũng đang triển khai thực hiện một loạt các giải pháp khác nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho khách hàng, như cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023)[1], cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN xuống còn 4%/năm (theo Quyết định số 1125/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023)…
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng thực hiện chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lâm - thuỷ sản, bởi trước đó, cũng có một số chương trình hoặc gói tín dụng dành cho khách hàng trong các lĩnh vực này (như cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014; cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ[2]…).
Tuy nhiên, so với các chương trình tín dụng được triển khai trước đây, Chương trình tín dụng quy mô 15.000 tỷ đồng của NHNN dành cho các doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản có những điểm khác biệt bởi chương trình này được cho vay hoàn toàn bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại và theo cơ chế thương mại thông thường với lãi suất thấp hơn tối thiểu 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, trong khi các ngân hàng tham gia chương trình này cũng đang triển khai một số chương trình tín dụng khác có quy mô cho vay lớn và lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng lãi suất của thị trường, còn các doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn của chương trình này cũng đang phải gặp rất nhiều khó khăn do vừa trải qua một giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19…
Chính vì vậy, để có thể triển khai thành công Chương trình tín dụng theo hướng dẫn của NHNN tại văn bản số 5631/NHNN-TD nói trên, bên cạnh việc bố trí nguồn vốn có quy mô và kỳ hạn phù hợp để cho vay, các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cũng cần nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay từ 1-2%/năm như yêu cầu của NHNN.
Quan trọng hơn, các ngân hàng thương mại cần chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định và quyết định tín dụng cũng như giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay nhằm ngăn ngừa những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình cho vay, bởi kinh doanh nông nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả kinh doanh lâm sản và thuỷ sản, là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thêm vào đó, lại còn đang phải chịu những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 để lại cũng như sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu lâm sản, thuỷ sản của một số quốc gia, khu vực vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâm sản, thuỷ sản Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Thông cáo báo chí ngày 19/7/2023 của NHNN về văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản
- Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.