Văn hóa

Phát triển du lịch bền vững qua di sản văn hóa

Nghiêm Thảo 24/07/2023 - 12:04

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch tại các làng nghề, trong đó có các làng nghề sơn mài, đã có nhiều đổi thay và có những đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ và bảo vệ các di sản văn bóa quốc gia.

Bước phát triển mới của du lịch tại các làng nghề sơn mài

Cùng với sự phát triển kinh tế, hoạt động du lịch tại các làng nghề cũng cũng từng bước khởi sắc. Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc vốn có, người dân tại các làng nghề, trong đó có các làng nghề sơn mài, đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Với những nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, các làng nghề sơn mài đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.

Thuộc thị xã Sơn Tây - một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đường Lâm là một ngôi làng mang sắc màu cổ xưa đậm nét. Với nét bình yên và hoài cổ đặc trưng, nơi đây được đánh giá là lựa chọn hoàn hảo để thanh tịnh và nghỉ ngơi trong nhịp sống hối hả của xã hội ngày nay. Bên cạnh sự bình yên, thì một trong những nét đặc sắc khiến làng cổ Đường Lâm được biết đến rộng rãi và thu hút khách du lịch là sức sống của làng nghề sơn mài.

Đến với làng nghề sơn mài Đường Lâm, du khách không chỉ có thể tham quan và sở hữu những món đồ độc đáo, mang sắc màu dân tộc, mà còn được trải nghiệm lớp học làm tranh sơn mài do họa sĩ Nguyễn Tấn Phát trực tiếp hướng dẫn. Hoạt động mới này của anh được đăng tải và cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá di sản cũng được xem là một hướng đi mang tính cấp tiến đối với việc phát triển làng nghề ngày nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, lớp học truyền thụ nghệ thuật sơn mài cho thế hệ sau của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã tổ chức được hơn 2 tháng và thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Với mong muốn lan tỏa tinh hoa của nghệ thuật sơn mài, đặc biệt là về tư duy thẩm mỹ và tình yêu văn hóa, lớp học vẽ tranh sơn mài của anh dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì dài hạn trong tương lai.

du-lich-son-mai-1.jpg
Lớp học truyền nghề của hoạ sĩ Nguyễn Tấn Phát. Nguồn: Nguyễn Tấn Phát

Bên cạnh làng cổ Đường Lâm, cách xa nội đô Hà Nội khoảng 15km, Hạ Thái - một làng nghề sơn mài có bề dày lịch sử hơn 200 năm cũng nhộn nhịp với các hoạt động đón và thu hút khách du lịch.

Vào năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng và củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội.

du-lich-son-mai.jpg
Hoạt động trải nghiệm tại Xưởng tranh sơn mài Dũng Dị. Nguồn: Dũng Dị Art Studio

Xưởng tranh sơn mài Dũng Dị (Dũng Dị Art Studio) – một trong những xưởng tranh sơn mài tại làng Hạ Thái, các hoạt động trải nghiệm làm tranh sơn mài cho du khách đã được mở ra từ rất sớm. Để thu hút thêm khách du lịch quốc tế trải nghiệm làm tranh sơn mài, kể từ năm 2023, Dũng Dị Art Studio đã mở thêm một không gian riêng dành cho việc trải nghiệm.

Đánh giá các hoạt động trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, họa sĩ Trần Công Dũng, Dũng Dị Art Studio cho rằng, dù đã có những đổi thay nhưng các hoạt động du lịch tại địa phương vẫn còn “manh mún”, chưa phát triển, đặc biệt ở mảng dịch vụ vẫn chưa thực sự phát triển.

Để thu hút nhiều khách du lịch đến làng nghề hơn nữa, họa sĩ Trần Công Dũng cho rằng, ngoài việc tăng các hoạt động trải nghiệm thì cũng cần phát triển thêm các dịch vụ đi kèm (dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…). Ngoài ra, cũng tăng cường quảng bá hình ảnh các làng nghề trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút thêm du khách, thay vì chỉ trông chờ vào các du khách thông qua dịch vụ trung gian là các công ty du lịch.

Giữ lửa” tình yêu dân tộc qua những làng nghề truyền thống

Du lịch bền vững được ngành du lịch Việt Nam lựa chọn làm hướng đi trong nhiều năm nay. Hoạt động này đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực và toàn diện. Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 vừa được Booking.com công bố cho thấy, 80% số người tham gia (hơn 35.000 du khách) khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Trong đó, 97% du khách Việt mong muốn có những chuyến đi du lịch bền vững trong vòng 12 tháng tới.

Phát biểu tại Diễn đàn “Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững” được tổ chức tại Phú Thọ mới đây, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã khẳng định: “Di sản văn hóa và thiên nhiên được xem là tài nguyên chính, phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua du lịch và các chính sách của nhà nước, đã giúp mang đến lợi ích cho cộng đồng được hưởng lợi từ di sản văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước...”.

Bàn về định hướng phát triển các giá trị di sản tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cũng cho rằng, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công – tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa, thể hiện vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam góp phần phát triển thị trường văn hoá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 4345/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 – 2030. Đề án được xem sẽ góp phần chấn hưng và khẳng định giá trị của Sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế.

Như vậy, cùng với Đề án trên, hướng đi mới của các làng nghề sơn mài đã đánh dấu sức sống mạnh mẽ của một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, khơi dậy trong mỗi du khách Việt niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các làng nghề vẫn cần có sự đầu tư mang tính quy mô và sự gắn kết hơn để có thể phát triển trở thành làng nghề truyền thống mang bộ mặt du lịch hiện đại.

Nghiêm Thảo