Hoạt động ngân hàng

Tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp: Ngân hàng đã làm hết khả năng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương

Ngô Hải 25/07/2023 15:46

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp là do sức cầu trong nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, tồn kho nhiều… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chỉ sự nỗ lực của ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Văn Thân đưa ra tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề trọng tâm lúc này là tín dụng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN nhận thức được trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào. Lãi suất – yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu vào của doanh nghiệp được điều hành hài hòa với tỷ giá, nếu không sẽ không tạo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi quốc gia.

o.tu.jpg
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội thảo

Do đó, điều hành tín dụng  được NHNN quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp.

Qua hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, ngành hàng, kể cả các ngân hàng thương mại cùng trao đổi để có đánh giá chung về lý do tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng trên tinh thần xây dựng, góp phần giúp NHNN có thêm những giải pháp điều hành bám sát sát thực tiễn trên cơ sở lý luận “soi đường” để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hấp thu tín dụng.

Tín dụng tăng thấp dù toàn ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực

“Thay mặt cộng đồng DNNVV, tôi xin cảm ơn NHNN và ngành Ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ chúng tôi, trong thời kỳ các DNNVV gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, phải khẳng định lại lần nữa về mức độ quan tâm, hỗ trợ đối với DNNVV của ngành Ngân hàng là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV mở đầu bài phát biểu tại hội thảo.

o.than.jpg
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) phát biểu

Theo ông Thân, trước những khó khăn nền kinh tế và doanh nghiệp gặp phải thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thể hiện hết trách nhiệm trong việc đồng hành và tháo gỡ khó khăn. “Trong bối cảnh các NHTW trên thế giới liên tục tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2023, thì NHNN đã 4 lần giảm lãi suất, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, đây là nỗ lực rất lớn và là thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, ông Thân đánh giá.

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay, ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các TCTD là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã tích cực dồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Các TCTD đều ban hành chính sách cho vay ưu đãi, gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các DNNVV.

o.hung.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tham dự và phát biểu tại hội thảo

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, thời gian vừa qua, Agribank đã tăng cường các biện pháp nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, Agribank triển khai các Chương trình của Chính phủ, NHNN như đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho 893 khách hàng với số vốn giải ngân là 7.041 tỷ đồng; Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của NHNN: dư nợ của các giải ngân được cơ cấu là 20.187 tỷ đồng cho 474 khách hàng doanh nghiệp.

Hiện nay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới tại Agribank giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm. Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; Điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.

ha-thu-giang.jpg
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu

Thông tin kết quả kết quả hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm 2023, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, như: Chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai một số chương trình như chương trình tín dụng tiêu dùng; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng; ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31… Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được tạo điều kiện, đẩy mạnh triển khai.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song bà Giang cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tín dụng tăng chậm do đâu?

toan-canh.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo bà Hà Thu Giang, có một số yếu tố dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm, đó là:

Thứ nhất, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như bất động sản); Việc tiếp cận tín dụng của DNNVV, hợp tác xã, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi,...

Thứ ba, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

ub.jpg
Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam

Cùng chung quan điểm, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam cũng cho rằng, tín dụng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm là do cầu suy yếu, điều này ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn.

“Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay”, ông Ketut Ariadi Kusuma chia sẻ.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng thấp là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế giảm rõ rệt. Nguyên nhân là do đơn hàng, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp giảm, các phương án kinh doanh dự án khả thi của doanh nghiệp ít,… dẫn đến doanh nghiệp cũng hạn chế tiếp cận vốn ngân hàng.

Còn theo PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, cầu tín dụng yếu đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía doanh nghiệp, do cầu giảm dẫn đến đơn hàng giảm, nhập khẩu nguyên vật liệu giảm, sản xuất giảm, tồn kho cao…. khiến cho cầu tín dụng giảm. Còn về phía ngân hàng, các ngân hàng đều muốn cho vay nhưng mở rộng tín dụng trong bối cảnh hiện nay rất khó và cũng khó tìm được khách hàng tốt.

Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội cho biết, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn không phải do vấn đề về vốn, mà do cầu suy giảm, thiếu đơn hàng và sức mua trong nền kinh tế giảm mạnh.

ban-tron.jpg
Các diễn giả tham gia phần thảo luận bàn tròn

Mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt song sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống TCTD ngay trong ngắn hạn

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn.

Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú

“Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu… đảm bảo an ninh tài chính quốc gia đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý trong điều hành”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc, sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của Ngân hàng Nhà nước. “Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt song sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống TCTD ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân cũng đánh giá, ngân hàng là tổ chức trung gian tài chính, do đó, nhiệm vụ chính là huy động và cho vay, nếu không cho vay ra được là không hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tín dụng thấp hiện nay, ngân hàng muốn cho vay ra được rất khó khăn. Muốn đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh hiện nay thì chỉ có hạ chuẩn tín dụng. Dẫu vậy, ông Thân cũng khẳng định, hạ chuẩn tín dụng sẽ không đơn giản, bởi không chỉ ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng cao, an toàn hệ thống không được đảm bảo…; mà khi hạ chuẩn tín dụng sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn quốc tế mà ngành Ngân hàng đang áp dụng…

Tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp bằng cách nào?

Tại hội thảo, giới chuyên môn và nhà quản lý đều cho rằng, lãi suất không phải là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, để tăng khả năng hấp thụ vốn cần có sự vào cuộc tích cực từ chính sách tài khóa, từ các bộ ngành và địa phương, và từ sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ đã quá sức rồi, lúc này cần nhấn mạnh đến chính sách tài khóa

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

“Chính sách tiền tệ đã quá sức rồi, lúc này cần nhấn mạnh đến chính sách tài khóa”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu. Theo ông Cung, trong thời điểm hiện nay, các chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Không chỉ vậy, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang có sự lệch pha, trong khi ngành Ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí thì chính sách tài khóa triển khai rất chậm, thậm chí là còn tăng thu ngân sách.

“Cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Đầu tiên cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ”, ông Cung nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, cần có sự vào quyết liệt từ phía các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của Luật Hỗ trợ DNNVV và hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ Phát triển DNNVV. Trong bối cảnh cầu bên ngoài suy giảm, ông Hùng đề nghị, các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước, tập trung kích cầu trong nước để bù đắp thiếu hụt cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như xoay vòng vốn nhanh.

Qua phát biểu, ông Hùng cũng khẳng định, các ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy nhiên sẽ không cho vay bằng mọi giá vì ngân hàng còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định pháp luật, cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.

“Việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản bảo đảm không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Để tăng cầu tín dụng trong nền kinh tế, ông Ketut Ariadi Kusuma đề xuất nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này”, ông Ketut Ariadi Kusuma nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ketut Ariadi Kusuma, có một giới hạn mà các giải pháp bên phía cung - thông qua chính sách tiền tệ (chẳng hạn như lãi suất thấp hơn) - có thể đạt được. Trên thực tế, có một vài nguy cơ về giải pháp từ phía cung trong môi trường sức cầu yếu, cụ thể:

Thứ nhất, lãi suất trong nước giảm trong môi trường lãi suất toàn cầu cao đồng nghĩa với chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước sẽ cao hơn. Điều này có thể có nghĩa là áp lực cao hơn đối với tiền tệ (đồng Việt Nam).

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường nhu cầu yếu có thể đồng nghĩa với việc chuyển tín dụng sang các lĩnh vực hoặc hoạt động phi sản xuất, từ đó có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn. Điều này, đến lượt nó, có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính.

Do đó, thay vì tập trung vào tăng trưởng tín dụng, ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng, tín dụng phải dành cho các lĩnh vực và hoạt động có năng suất cao. Đồng thời, cần phải xem xét đa dạng hóa chính sách, vượt khỏi giới hạn tăng trưởng tín dụng.

Chính phủ cần làm sao hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài...

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV)

Ông Nguyễn Văn Thân đề nghị, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công; cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay… Với các doanh nghiệp, cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

“Với đồng bộ các giải pháp nêu trên, DNNVV chắc chắn sẽ hấp thụ được vốn tốt hơn và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng phát triển hơn”, ông Thân nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trong tình hình mới.

"Tôi hy vọng rằng, với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự tham gia đồng bộ của các bộ, ban, ngành các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ vốn cho cộng đồng doanh nghiệp, để sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới", Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.

Ngô Hải