Hàng loạt "nút thắt" khiến doanh nghiệp ngóng "dài cổ" vẫn chưa được hoàn thuế
Theo các chuyên gia, khi doanh nghiệp nộp thuế và chứng từ đầy đủ, cơ quan thuế cần phải nhanh chóng thực hiện hoàn thuế. Nếu chậm trễ sẽ phải bị xử phạt tương đương với lãi suất mà doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng. Như vậy, quá trình này mới được đẩy nhanh.
Cuối tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 470/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Sau công điện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có văn bản đôn đốc Cục Thuế các tỉnh, thành đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế VAT nhưng đến nay, tiến độ vẫn chậm
Nút thắt trong hoàn thuế
Dù khẳng định công điện này là niềm mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành gỗ trong suốt nhiều tháng qua, song ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, vấn đề là khâu triển khai chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng.
Dẫn chứng, ông Hoài cho biết, tính đến tháng 6/2023, tổng số tiền thuế VAT chưa được cơ quan thuế hoàn cho các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ lên tới 6.100 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong văn bản của Tổng cục Thuế quy định để được hoàn thuế phải thực hiện truy xuất đến tận nguồn gốc của nguyên liệu, tức là đến tận chủ rừng.
Trong khi đó, Việt Nam có trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng và bán nguyên liệu cung ứng, qua rất nhiều trung gian và qua nhiều khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.
“Không phải các Cục Thuế không làm mà họ không đủ chức năng, quyền hạn để đi kiểm tra về truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng. Doanh nghiệp cũng không thể làm được vì phải qua nhiều khâu trung gian. Kể cả chúng ta có một lực lượng đông đảo như kiểm lâm và công an xã phường cũng không thể thực hiện được”, ông Hoài nêu rõ.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự cho biết, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến cho việc hoàn thuế VAT bị chậm trễ, gồm: Xác minh nguồn gốc của các mặt hàng được hoàn thuế rất phức tạp; vẫn có hiện tượng doanh nghiệp gian lận về hóa đơn khiến cho cơ quan thuế phải thận trọng; sự vào cuộc, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt.
Hệ quả là, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị thiếu vốn lưu động do liên tục phải thực hiện các đơn hàng và đảm bảo cam kết hợp đồng.
"Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh bị khiếu kiện bởi các bạn hàng do chấm dứt hợp đồng, do không có vốn lưu động để sản xuất để cung cấp đúng hạn. Nguy cơ doanh nghiệp phá sản là nhãn tiền, người lao động sẽ mất việc”, ông Lập nêu rõ.
Phải trả lãi nếu chậm hoàn thuế
Theo ông Lập, Luật Quản lý thuế cũng quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan thuế phải hợp tác với các doanh nghiệp trong quản lý thu thuế, khai thuế và hoàn thuế.
Tuy vậy, trong vấn đề hoàn thuế, các cơ quan quản lý nhà nước đang có sự đùn đẩy trách nhiệm. Cụ thể, cơ quan thuế địa phương coi đây là vướng mắc từ chính sách, cần có tháo gỡ từ Tổng cục Thuế. Trong khi từ Tổng cục Thuế lại cho rằng, đây là vấn đề cần xác minh và phải điều tra và lại chuyển sang Bộ Công an.
Về bản chất, thuế VAT không phải là tiền doanh nghiệp đi xin cơ quan Nhà nước từ ngân sách, mà là khoản tiền thuế doanh nghiệp tạm đóng cho nhà nước, sau đó sẽ được hoàn lại.
“Cơ quan thuế cần có trách nhiệm phân loại doanh nghiệp, xem doanh nghiệp nào làm ăn tốt, làm ăn đứng đắn để cập nhật vào hệ thống. Từ đó, hoàn thuế cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện một cách nhanh nhất, để có vốn lưu động hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại”, ông Lập nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp Hội Cho thuê Tài chính Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế theo đúng quy định thì khi đầy đủ chứng từ hoàn thuế, cơ quan thuế phải nhanh chóng thực hiện.
Nhưng cơ chế hoàn thuế quá phức tạp và các thủ tục hành chính khó khăn, dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đang mất đi một nguồn lực đáng ra phải được hưởng để hỗ trợ qua giai đoạn phục hồi sau COVID-19.
“Cần bình đẳng hơn giữa cơ quan thu thuế với người nộp thuế. Vì vậy, thời gian tới cần phải cải cách toàn bộ thủ tục hoàn thuế”, ông Hòe nêu rõ.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn mà tiền của doanh nghiệp lại không được hoàn, để kéo dài đến mấy năm. Nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không?.
Hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết chung, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, việc hoàn thuế VAT là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, Quốc hội, Chính phủ không làm thay.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phải có giám sát, tổ chức phiên giải trình về vấn đề này, không thể để mãi tình trạng này.
“Hoàn thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp không xin. Do đó, cơ quan nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý; cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế. Không thể để trì trệ, loay hoay mãi”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.