Nhìn ra thế giới

Ông Pan Gongsheng được bổ nhiệm làm Thống đốc mới Ngân hàng Trung ương Trung Quốc

V.A 25/07/2023 22:35

Chưa đầy một tháng sau khi được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), ông Pan Gongsheng đã được bổ nhiệm làm Thống đốc – chức vụ đặt ông vào một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro tài chính và động lực tăng trưởng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

pan-gongsheng.png
Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng. Ảnh: Reuters

Vị Thống đốc mới 60 tuổi này sẽ thay thế vị trí của ông Yi Gang, 65 tuổi, người giữ chức vụ Thống đốc PBOC từ năm 2018. Ông Pan Gongsheng đã trở thành thành viên chủ chốt trong nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình khi Ban lãnh đạo hướng tới sự phục hồi ổn định sau đại dịch với lạm phát thấp và các biện pháp được thực hiện để đề phòng nhiều loại rủi ro tài chính.

Ông Pan Gongsheng là người đã nắm quyền điều hành Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước từ năm 2016, được bổ nhiệm làm Bí thư đảng ủy PBOC vào ngày 1/7 vừa qua và được kỳ vọng sẽ thay thế vị trí Thống đốc của ông Yi Yang. Tại Trung Quốc, việc bổ nhiệm các chức vụ trong đảng thường đi trước các chức vụ trong chính quyền.

Trước khi chính thức được bổ nhiệm làm Thống đốc, ông Pan Gongsheng trên thực tế đã đảm nhận một số nhiệm vụ dưới vai trò mới. Ông đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Nhật Bản vào Chủ nhật vừa qua và cũng tham dự Hội nghị Giám đốc điều hành của các Ngân hàng Trung ương Đông Á-Thái Bình Dương 1 ngày sau đó.

Việc bổ nhiệm Thống đốc PBOC mới diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp thêm “dòng máu” mới để giúp giám sát thị trường vốn lớn thứ hai thế giới và các yêu cầu pháp lý mới sẽ sớm được công bố tại Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia sắp tới, thường được triệu tập 5 năm một lần.

Cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào tháng 7/ 2017, đáng lẽ cuộc họp tiếp theo sẽ vào năm ngoái song đã được lùi lại để đảm bảo rằng đội ngũ lãnh đạo mới nhậm chức trong năm nay sẽ giám sát các thay đổi chính sách của chính họ đặt ra.

Ngày 24/7, tại cuộc họp phân tích kinh tế hàng quý, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường điều chỉnh chính sách chống chu kỳ và cung cấp hỗ trợ tiền tệ cho đổi mới sáng tạo, nền kinh tế thực và các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời kêu gọi tìm cách tháo gỡ rủi ro tại các tổ chức tài chính nhỏ, thúc giục xây dựng gói xóa nợ và vạch ra kế hoạch ổn định thị trường bất động sản.

Tân Thống đốc Pan Gongsheng quê ở Anqing, tỉnh An Huy, Đông Nam Trung Quốc, có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Renmin. Ông là học giả thỉnh giảng tại Đại học Cambridge từ năm 1997 - 1998, và học tại Trường Harvard Kennedy vào năm 2011.

Ông là người có hiểu biết sâu sắc về ngành tài chính của Trung Quốc. Năm 2006, ông đã tham gia nhiệm vụ tái cơ cấu và niêm yết Ngân hàng Công thương Trung Quốc – ngân hàng lớn nhất nước tính theo tài sản – và cũng là người đứng đầu một ngân hàng khác thuộc sở hữu nhà nước thuộc nhóm Big Four – Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – trước khi được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc PBOC vào năm 2012.

Một số nhà phân tích kỳ vọng, với kinh nghiệm một thập kỷ đối diện trên tuyến đầu với các vấn đề tiền tệ của đất nước sẽ mang lại cho ông kinh nghiệm cần thiết để giải quyết các vấn đề tài chính cấp bách nhất của Trung Quốc hiện nay.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải đối mặt với việc đồng Nhân dân tệ mất giá, giá sản xuất giảm và áp lực gia tăng trong việc vực dậy nền kinh tế đang chậm lại.

Trước đây, PBOC đã đưa ra hơn một chục công cụ cơ cấu, bao gồm nhiều chương trình cho vay lại, để giải quyết các vấn đề liên quan đến cấu trúc của quốc gia như tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các công ty nông nghiệp và công nghệ.

Ngoài ra, hiện còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn, bao gồm các khoản nợ lớn của các cấp chính quyền địa phương. Thống đốc tiền nhiệm Yi Yang cũng đã giám sát vụ tịch thu ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc sau 20 năm, khi Ngân hàng Baoshang phá sản trong bối cảnh cổ đông lớn nhất của ngân hàng biển thủ công quỹ.

Không giống như các ngân hàng trung ương phương Tây nhấn mạnh đến sự ổn định giá cả và thị trường việc làm, PBOC trực thuộc nội các của chính phủ, Hội đồng Nhà nước và tăng trưởng kinh tế thường được ưu tiên cao trong số nhiều mục tiêu chính sách.

Trong năm nay, Trung Quốc cũng đã cải tổ cơ chế quản lý tài chính, với việc thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia.

(Nguồn: SCMP)

V.A