Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các liệt sĩ hy sinh vì nước
Trong Bài phát biểu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” [1].
Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[2].
Tháng 10/1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Ngày 18/4/193l, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn. Sống trong nhà tù đế quốc thực dân, đồng chí Trần Phú đã nêu cao khí tiết người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 6/9/1931, trước khi mất, đồng chí Trần Phú đã truyền lại khí phách của người cộng sản Việt Nam với các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3/2/1930), đồng chí Ngô Gia Tự được cử là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Đêm ngày 31/5/1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám của thực dân Pháp bắt. Trong nhà tù đế quốc ở Côn Đảo, đồng chí Ngô Gia Tự thường xuyên động viên các đồng chí của mình rằng: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được. Người cộng sản phải bảo vệ Đảng, ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”. Đầu năm 1935, khi mới 26 tuổi, trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt. Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Bọn thực dân đã dùng những trận đòn thù tàn ác, dã man và liên tục để làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức và đi đến cái chết. Đồng chí Lê Hồng Phong đã vĩnh biệt các đồng chí của mình vào trưa ngày 6/9/1942. Trước lúc hy sinh, đồng chí Lê Hồng Phong đã nói: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư. Ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bọn thực dân Pháp bắt. Toà án binh Sài Gòn của bọn thực dân kết án tử hình đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Sáng sớm ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hiên ngang bước ra pháp trường, nêu cao khí tiết của người cộng sản trước nòng súng của bọn thực dân.
Ngày 8/9/1939, Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt và giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Đến ngày 24/5/1944, chúng đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ đến trường bắn. Những loạt đạn của bọn giặc Pháp vẫn không thể át nổi tiếng hô của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Pháp muôn năm!”, “Liên bang Xô viết muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Sau đó, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp và bị chúng giam tại bót Catinat. Sau đó, chúng giam đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 28/8/1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn thực dân Pháp khiếp hãi trước người cộng sản một lòng trung thành với Đảng và có niềm tin mãnh liệt về thắng lợi của cách mạng Việt Nam nên đã vội vàng đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra trường bắn.
Những vị đại biểu Quốc hội khóa I hy sinh vì Tổ quốc
Đại biểu Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 tại Hà Nội, hy sinh vào tháng 10/1947 tại Việt Bắc. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là hội trưởng Hội Truyền bá học quốc ngữ thành lập theo chủ trương của Đảng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ Lâm thời. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội tại Nam Định. Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, ông được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Toàn quốc kháng chiến nổ ra (19/12/1946), ông được cử là Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư. Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, ông bị giặc bắt và hy sinh.
Đại biểu Nguyễn Văn Luyện sinh năm 1898 tại Bắc Ninh, hy sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y Đông Dương và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa tại Pháp. Tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội. Tại Quốc hội khóa I, ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Trong trận chiến bảo vệ Thủ đô ngày 19/12/1946, ông cùng 2 người con trai là tự vệ thành cầm súng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Với sự hy sinh anh dũng đó, ông được truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Đại biểu Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại Hà Tĩnh, hy sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Quốc học Vinh (Nghệ An) và sau đó tham gia các hoạt động yêu nước ở Bắc Giang và Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 22/8/1945, ông được cử giữ chức vụ Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm chức Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao ông tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia cùng ông Trần Lâm, ông Chu Văn Tích. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại Bắc Giang. Sáng ngày 3/3/1947, ông hy sinh vì bom đạn của giặc Pháp khi ở lại chuyên chở tài liệu của Nha thông tin đến nơi an toàn. Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 32/SL truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông.
Đại biểu Lý Chính Thắng (tên thật là Nguyễn Đắc Huỳnh) sinh năm 1917 tại Hà Tĩnh, hy sinh năm 1946 tại Chiến khu An Phú Đông gần Sài Gòn. Đầu năm 1929, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ và sau đó là An Nam Cộng sản đảng. Sau đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào năm 1930, ông đã gia nhập Đảng và đổi tên là Lý Chính Thắng. Tiếp đó, ông tham gia Thành ủy kiêm thư ký công đoàn Sài Gòn - Gia Định. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông giữ chức vụ Ủy viên Thành bộ Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 10/1945, ông làm Tổng Thư kí Tổng Công đoàn Nam Bộ và tham gia sáng lập báo “Cảm tử” của Tổng Công đoàn Nam Bộ. Tháng 11/1945, ông lập trạm đón tiếp công nhân từ Sài Gòn ra An Phú Đông và biến nơi đây thành chiến khu kháng chiến chống Pháp. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Giặc Pháp tấn công Chiến khu An Phú Đông, ông được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận phía Đông. Trong một trận đánh, ông bị thương, bị giặc Pháp bắt và hy sinh vào ngày 30/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh ngày 25/4/1949 truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhì cho ông.
Đại biểu Thái Văn Lung sinh năm 1916 tại Gia Định, hy sinh năm 1946 tại Gia Định. Ông có bằng Cử nhân Khoa Luật tại Đại học Paris và từng theo học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Pháp. Tháng 3/1945, ông làm việc tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Tháng 6/1945, ông tham gia sáng lập lực lượng Thanh niên Tiền phong và phụ trách làm huấn luyện quân sự. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23/9/1945, ông bị giặc Pháp bắt nhưng trốn thoát được. Ông trở ra ngoại thành Sài Gòn và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức, xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang của huyện và được nhân dân quen gọi là bộ đội Thái Văn Lung. Sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, ông trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa I thuộc Gia Định. Ông bị giặc Pháp bắt trong một trận đánh và hy sinh vào ngày 1/7/1946.
Đại biểu Lê Thế Hiếu sinh năm 1892 tại Quảng Trị, hy sinh năm 1947 tại Quảng Trị. Ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt và bị đày lên Lao Bảo và sau đó là nhà lao Vinh vào năm 1933. Đến năm 1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, ông được thả và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng. Cuối năm 1939, giặc bắt ông và giam ở Đắc Lây rồi Đắc Tô cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp (3/1945). Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh Quảng Trị. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội. Tháng 5/1947, ông hy sinh khi đụng độ với giặc Pháp đang chúng đi càn để phá hoại vùng căn cứ Chợ Cạn, phá hoại mùa màng, khủng bố nhân dân.
Tên tuổi các đại biểu Quốc hội hy sinh vì nước còn nối dài như: Đại biểu Siểng (đại biểu Quốc hội tại Biên Hoà), người dân tộc Khơ Me, bị giặc giết hại năm 1947; đại biểu Nguyễn Văn Triết (đại biểu Quốc hội tại Thủ Dầu Một) bị giặc giết hại vào tháng 4/1948; đại biểu Huỳnh Bá Nhung (đại biểu Quốc hội tại Rạch Giá) bị giặc giết hại vào tháng 11/1953.
Tôn vinh những vị đại biểu Quốc hội đã hy sinh vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng”.
Gương hy sinh cao cả của thanh niên Việt Nam
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1947, chị Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ lúc 14 tuổi. Với trí thông minh, nhanh nhẹn, chị Võ Thị Sáu đã lập được nhiều chiến công. Vào tháng 2/1950, khi chị Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt thì chị bị giặc Pháp bắt. Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn chị Võ Thị Sáu nhưng địch không khai thác được gì nên đày chị ra Côn Đảo.
Sáng 23/1/1952, giặc Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra pháp trường xử bắn. Khi được hỏi có ân hận điều gì trước khi chết không, chị Võ Thị Sáu đã trả lời: “Tôi chỉ ân hận chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Không cần bịt mắt, chị Võ Thị Sáu hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”.
Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định số 149/XT/CTN phong tặng chị Võ Thị Sáu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh năm 1940, là con một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève năm 1954, gia đình anh Nguyễn Văn Trỗi vào Sài Gòn sinh sống. Lớn lên, anh Nguyễn Văn Trỗi làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.
Tháng 5/1964, sau khi bị địch bắt khi đang thực hiện một nhiệm vụ do cấp trên giao phó, anh Nguyễn Văn Trỗi bị Chính quyền Mỹ - Ngụy đưa ra tòa án quân sự kết án tử hình. Nhóm du kích quân chống chế độ thân Mỹ tại Venezuela sau khi nghe tin đã bắt sống trung tá Mỹ Micheal Smolen để ra điều kiện đổi mạng với anh Nguyễn Văn Trỗi. Ngụy quyền do Nguyễn Khánh đứng đầu ở Sài Gòn ngay lập tức phải dừng lại việc xử tử anh Trỗi. Hai bên đồng ý trao đổi tù binh, nhưng sau khi Micheal Smolen được thả, Mỹ - Ngụy trở mặt.
Anh Nguyễn Văn Trỗi bị Mỹ -Ngụy xử bắn tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Trước khi bị Mỹ -Ngụy xử bắn, anh Nguyễn Văn Trỗi đã hô lớn “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong bức ảnh chụp Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”.
Với những hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước, năm 1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng anh Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh Nguyễn Văn Trỗi.
Gương hy sinh vì nước của chị Võ Thị Sáu và anh Nguyễn Văn Trỗi đã tiếp thêm sức mạnh cho thanh niên Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Đúng như câu nói bất hủ của Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (1914-1931) rằng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.