7,2% dân số tham gia TTCK, vốn hoá thị trường lên đến 6 triệu tỷ đồng sau 23 năm
Từ 2 cổ phiếu REE và SAM giao dịch phiên đầu tiên ngày 28/7/2000, đến nay HoSE đã có 395 mã, HNX 332 mã, UPCoM 866 mã cổ phiếu. Vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 5,78 triệu tỷ đồng.
Vốn hoá toàn thị trường gần 6 triệu tỷ đồng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (TTGDCK TP.HCM) chính thức khai trương hoạt động từ ngày 20/7/2000 và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.
Việc ra đời của TTGDCK TP.HCM đã chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động có tổ chức với mục tiêu xây dựng một kênh huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Sau 23 năm hoạt động, từ 2 cổ phiếu REE và SAM giao dịch phiên đầu tiên, tính đến đầu tháng 6/2023, HoSE có 395 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 13 chứng chỉ quỹ ETF và 97 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Trong khi số cổ phiếu niêm yết trên HNX đạt 332 mã, UPCoM 866 mã, Trái phiếu chính phủ 394, HNX có 61 trái phiếu. Tổng cộng 2.161 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Vốn hoá toàn thị trường chứng khoán bao gồm HoSE, HNX, UPCoM và thị trường trái phiếu lên đến 7,69 triệu tỷ đồng, chiếm 86,44% GDP. Trong đó vốn hoá HoSE (4,46 triệu tỷ đồng), HNX, UPCoM đạt 5,78 triệu tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, năm 2022, tổng doanh thu lên đến 4,3 triệu tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2021. Tương tự, lợi nhuận tăng 8,4% lên 471.298 tỷ đồng. Năm 2022 là năm thứ 2 liên tiếp tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đạt trên 400.000 tỷ đồng.
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 27/7, Ngân hàng Vietcombank (mã VCB) là doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất HoSE với 438.704 tỷ đồng, có khoảng cách khá lớn so với VHM - doanh nghiệp vốn hoá lớn thứ hai (250.376 tỷ đồng). Top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất HoSE có tới 4 ngân hàng (VCB, BID, VPB, CTG) và “họ Vingroup” góp mặt 2 cái tên VHM (Vinhomes) và VIC (Vingroup).
Hơn 7,2% dân số tham gia thị trường chứng khoán
Tháng 5/2022 là tháng ghi nhận số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới ở mức kỷ lục với 476.455 tài khoản. Thời điểm này, TTCK đã ghi nhận sự biến động mạnh, VN-Index tiếp nối đà giảm từ đầu tháng 4 và ghi nhận đáy tại 1.165 điểm, sau đó hồi phục mạnh trong nửa cuối tháng 5 và giao dịch quanh mốc 1.300 điểm. Kể từ tháng 5/2022, số tài khoản mở mới liên tục giảm cho đến hết năm 2022.
Tháng 4/2023 là tháng có số tài khoản mở mới về mức đáy trong hơn 3 năm và hồi phục trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành và các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, thanh khoản của thị trường cũng được kích hoạt bởi chính sách giảm lãi suất.
Thống kê của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy tính đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số tham gia thị trường,
Từ 100 cổ phiếu đầu tiên của NĐTNN đến những phiên giao dịch nghìn tỷ
Ngày 2/4/2001 (phiên giao dịch thứ 102), TTCK Việt Nam ghi nhận sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đầu tiên khi một nhà đầu tư cá nhân mang quốc tịch Anh đã khớp lệnh mua 100 cổ phiếu TMS.
TTCK Việt Nam ngày càng chứng minh sự hấp dẫn nhờ hàng hóa đa dạng, được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô ổn định và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Thời điểm năm 2007, 2008, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại so với toàn thị trường lên lần lượt đạt 22,37% và 24,7%.
Năm 2008 là năm nhiều sóng gió và thăng trầm của TTCK. Nếu tính từ số điểm đóng cửa của phiên giao dịch đầu tiên của năm (2/1/2008), chỉ số VN-Index đạt 921,07 điểm, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm chỉ số chỉ còn 315,62 điểm, giảm 65,73%. Năm 2008 là năm tỷ lệ lạm phát tăng kỷ lục trong 20 năm với 23,1% và sự kiện ngân hàng Lehman Brother phá sản, khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng toàn cầu đã ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, năm 2009 VN-Index đã hồi phục mạnh, tăng 57% kể từ đầu năm, và tăng gấp 2,65 lần so với mức thấp nhất ghi nhận trong năm tại 235,5 điểm vào 24/2/2009.
Năm 2018 thị trường ghi nhận giá trị mua ròng kỷ lục của nhà đầu tư ngoại, lên đến 43.076 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,9 tỷ USD và giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài duy trì ổn định quanh mức 17,63% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tuy nhiên, ngay sau đó giảm mạnh 3 năm liên tiếp, NĐTNN chuyển sang bán ròng vào năm 2021 với giá trị hơn 58.000 tỷ đồng và mua ròng trở lại vào năm 2022 với giá trị 26.674 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2023, khối ngoại bán ròng 315 tỷ đồng, và tiền ngoại ngày càng thu hẹp ảnh hưởng lên thị trường, với những phiên chỉ tham gia 6% giao dịch.
Bên cạnh sự tăng trưởng về quy mô, TTCK cũng có nhiều các sản phẩm mới như ETF, phái sinh, CW... giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng và phát triển TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030, số lượng nhà đầu tư đạt 8% vào năm 2030, trước năm 2025 nâng hạng thị trường trên danh sách các thị trường mới nổi. Đây sẽ là chất xúc tác dài hạn cho thị trường, mở ra cơ hội gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và TTCK sẽ ngày càng khẳng định vững chắc hơn vai trò là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.