Thiếu đơn hàng, lợi nhuận quý II/2023 của các "ông lớn" dệt may tiếp tục ảm đạm
Trong bối cảnh thiếu đơn hàng, lợi nhuận quý II/2023 cũng như 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đầu ngành dệt may như TCM, STK, TNG, HTG,... đều sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 21%.
Nửa đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát cao khiến đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm sâu.
Trong bối cảnh thiếu đơn hàng lợi nhuận quý II/2023 cũng như 6 tháng đầu năm của phần lớn các doanh nghiệp ngành dệt may đều sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh do "đói" đơn hàng
Quý II/2023, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) công bố doanh thu đạt hơn 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 95 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ khiến biên lợi nhuận gộp co hẹp còn 13,3% (cùng kỳ là 16,5%).
Sau khi trừ chi phí, Dệt may Thành Công báo lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý IV/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 1.590 tỷ đồng và lãi sau thuế 56,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 26,7% và 56% so với thực hiện nửa đầu năm 2022. Như vậy, sau nửa năm công ty đã thực hiện được 40,5% kế hoạch doanh thu và 23% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Theo Dệt may Thành Công trong 6 tháng đầu năm, do suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm Dệt may Thành Công sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.
Dệt may Thành Công cho biết công ty vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý III và theo dự báo, kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm nay. Tính đến hiện tại, doanh nghiệp đã nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV.
Thiếu đơn hàng cũng là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) sụt giảm trong quý II/2023.
Theo đó, trong quý II/2023, doanh thu của Sợi Thế Kỷ giảm 23% so với cùng kỳ, xuống 407 tỷ đồng. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm tới 43%, còn 60 tỷ đồng. Qua đó, kéo theo biên lãi gộp giảm từ mức 20% của cùng kỳ xuống còn 15% trong quý này.
Sau khi trừ chi phí, Sợi Thế Kỷ ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 36 tỷ và LNST đạt 37.5 tỷ đồng, giảm lần lượt 52,7% và 47% so với quý II năm ngoái.
Theo giải trình của Sợi Thế Kỷ, trong quý II/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của công ty.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của công ty đạt hơn 695 tỷ đồng, giảm 40,6% so với 6 tháng đầu năm trước. LNST đạt hơn 39,1 tỷ đồng, tương ứng giảm 73,5%. Sau nửa năm, công ty mới thực hiện được 32,3% kế hoạch doanh thu và 15,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) dù ghi nhận doanh thu thuần quý II/2023 tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, lên hơn 1.995 tỷ đồng. Nhưng giá vốn tăng mạnh hơn, kéo lãi gộp giảm 24% còn 238 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16% xuống 12%.
Kết quả, LNST của công ty giảm gần 37% so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến LNST của công ty sụt giảm là do đơn giá giảm so với cùng kỳ, nhưng chi phí trả cho người lao động và chi phí sản xuất không giảm.
Lũy kế nửa đầu năm, TNG đạt doanh thu gần 3.334 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế giảm 21%, còn gần 99 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận năm.
Ngoài các công ty trên, một số doanh nghiệp dệt may khác cũng chứng kiến doanh thu và LNST quý II/2023 "thụt lùi" như Tổng công ty May 10 (M10) ghi nhận doanh thu sụt giảm 17% so với cùng kỳ và LNST giảm 18,5%, lần lượt đạt 1.018 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu và LNST đều giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 1.900 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.
Hay Tổng công ty May Hưng Yên (HUG) ghi nhận doanh thu quý II đạt 195 tỷ đồng và LNST đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,5% và 21% so với quý II/2022. Sau nửa năm doanh thu của công ty đạt 376 tỷ, giảm 35% và LNST 32 tỷ, giảm 23,5%.
Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HTG) cũng không ngoại lệ với doanh thu thuần quý II giảm 16% so với cùng kỳ, xuống 1.040 tỷ đồng và LNST giảm 43% về 34,5 tỷ đồng. Đây là mức lãi sau thuế hàng quý thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ quý III/2021. Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 2.310 tỷ đồng và lãi sau thuế 81,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 11% và 43% so với cùng kỳ.
Thậm chí, Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) gần như không ghi nhận doanh thu thuần trong quý II (đạt vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, giảm tới 99,92% so với cùng kỳ). Khấu trừ các chi phí, Garmex Sài Gòn lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, kéo dài chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp. Trong quý I/2023 doanh nghiệp này đã lỗ gần 21 tỷ đồng, đưa số lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 4 tỷ đồng.
Lợi nhuận một số doanh nghiệp tăng trở lại nhưng cuối năm vẫn đối diện thách thức
Giữa bối cảnh phần lớn doanh nghiệp dệt may thua lỗ, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.
Điển hình, Công ty CP Damsan (ADS) công bố doanh thu quý II tăng hơn 67% lên 675 tỷ đồng. LNST đạt 24,8 tỷ đồng, tăng 39,3% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 5 quý gần đây của công ty.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của công ty đạt 970 tỷ đồng, tăng 14,3% nhưng LNST lại giảm 18,1% về gần 38 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý II/2023, Công ty CP Dệt May Huế (HDM) ghi nhận lợi nhuận đạt 25,3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ dù doanh thu giảm 40%, đạt 319 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vẫn đi ngang so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện từ 10% lên 17%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiết giảm được đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận vẫn tăng trưởng.
Mặc dù vậy, do kết quả kinh doanh quý I/2023 kém khả quan nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LNST của công ty vẫn giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 47 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm 18%, đạt 923 tỷ đồng.
Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, Công ty CP May mặc Bình Dương (BDG) báo lãi sau thuế quý II/2023 tăng 71% so với cùng kỳ, lên 23,7 tỷ đồng dù doanh thu sụt giảm nhẹ gần 3%, xuống 389 tỷ đồng.
Dù vậy tính chung 6 tháng, doanh thu và LNST của công ty vẫn lần lượt giảm 17,5% và 48% so với 6 tháng đầu năm ngoái, đạt 741 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong quý II/2023 lợi nhuận của một số doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại nhưng nhìn chung ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo dự báo của VITAS, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần trong những tháng tới nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV.
Bên cạnh thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Ngoài ra, với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Các doanh nghiệp dệt may của quốc gia này cũng có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh.
Đầu năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đã đề ra hai kịch bản tăng trưởng gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu là 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là 45 - 46 tỷ USD. Cả hai kịch bản đều vượt mức kỷ lục 44 tỷ USD của năm 2022.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, VITAS cho biết, ngành dệt may đã đặt lại mục tiêu xuất khẩu ở mức 39 - 40 tỷ USD, giảm khoảng 17% so với kịch bản tích cực được xây dựng hồi đầu năm và giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu này, VITAS cho rằng các doanh nghiệp phải có giải pháp ổn định lực lượng lao động, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác, đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí.