ECB nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định nâng lãi suất lần thứ chín liên tiếp với bước tăng 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất chính sách lên mức 3,75% sau cuộc họp ngày 27/7. Ngoài ra, có khả năng ECB sẽ tạm dừng thắt chặt tiền tệ vào tháng 9 khi áp lực lạm phát hạ nhiệt và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng.
Quyết định nâng lãi suất lần này của ECB đánh dấu tròn một năm ngân hàng trung ương thực hiện lộ trình thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát cao kỷ lục. Mức lãi suất hiện tại là mức cao nhất kể năm 2000.
Trước đó một ngày, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã nâng lãi suất thêm 0,25 phần trăm, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất 22 năm.
"Lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn dự kiến sẽ duy trì mức cao trong thời gian dài", tuyên bố của ECB giải thích về quyết định nâng lãi suất lần này.
Lạm phát toàn phần tại khu vực Eurozone đã giảm xuống còn 5,5% trong tháng 6 từ mức 6,1% ghi nhận vào tháng 5, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.
Quyết định nâng lãi suất lần này của ECB không nằm ngoài dự đoán của thị trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với cách tiếp cận chính sách của cơ quan này sau mùa hè. Lạm phát đã suy giảm, nhưng liệu chính sách tiền tệ có đang đẩy lục địa già rơi vào suy thoái kinh tế hay không?
ECB đã không chia sẻ bất kỳ tín hiệu nào về các động thái sắp tới, nhưng có một vài dấu hiệu cho thấy khả năng lộ trình nâng lãi suất sẽ tạm dừng trong cuộc họp tháng 9 tới đây.
Phát biểu tại họp báo ngày 27/7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo và nhấn mạnh, quyết định được đưa ra phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Giám đốc đầu tư Neil Birrell của Premier Miton Investors, nhận định: “Nếu lãi suất của ECB chưa đạt đỉnh, thì có lẽ cũng gần đạt đỉnh rồi. Câu chuyện sẽ sớm trở thành lãi suất sẽ giữ ở đỉnh trong bao lâu”.
Một cuộc khảo sát mới đây của ECB cho thấy, lượng vốn vay cấp cho doanh nghiêp trong khu vực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu được công bố vào đầu tuần này cũng cho thấy sự sụt giảm ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. Những con số này làm tăng thêm kỳ vọng rằng Eurozone có thể lại rơi vào suy thoái trong năm nay.
Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro có khả năng đạt 0,9% trong năm nay, song nền kinh tế lớn nhất khu vực - Đức - dự kiến tăng trưởng âm 0,3%.