Nhìn ra thế giới

Đông Nam Á là "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của Fintech

Minh Ngọc 30/07/2023 10:24

Sự đổi mới của Fintech đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cách mạng hóa các dịch vụ tài chính và mang đến các giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

fintech.jpg

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Fintech

Fintech toàn cầu đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua, được thúc đẩy bởi quá trình số hóa nhanh chóng do đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo Fintech gần đây của PwC, 60% số người được hỏi trong lĩnh vực thanh toán và 35% trong lĩnh vực cho vay cho biết, doanh thu hàng năm ở mức hơn 7,5 triệu USD.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị và kinh tế còn nhiều thách thức, lĩnh vực Fintech vẫn tiếp tục mở rộng, với tổng giá trị giao dịch trong phân khúc thanh toán kỹ thuật số dự kiến đạt mức 9,47 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và số lượng người dùng dự kiến ​​đạt 5,48 tỷ vào năm 2024.

Ngoài ra, neobank, một nền tảng ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến, được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu tăng trưởng là 28,9% vào năm 2023, với giá trị giao dịch trung bình trên mỗi người dùng là 18.000 USD.

Một bước phát triển quan trọng khác là sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), với 114 quốc gia chiếm hơn 95% GDP toàn cầu, được phát hành hoặc xem xét áp dụng.

Lĩnh vực này cần duy trì động cơ đổi mới mặc dù điều kiện kinh tế đang chậm lại để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội đối với các giải pháp Fintech. Trong những năm tới, lĩnh vực thanh toán, neobank và CBDC dự kiến ​​sẽ đóng vai trò quan trọng như là động lực thúc đẩy tăng trưởng Fintech.

Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho Fintech

Đông Nam Á mang đến nhiều cơ hội cho các công ty Fintech do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dân số ngày càng mở rộng.

Trước đó, tại các nền kinh tế mới nổi của khu vực Đông Nam Á, tài chính truyền thống chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng, do đó tạo ra nhiều khoảng trống để Fintech có thể lấp đầy bằng những sáng tạo đổi mới.

Các khoản đầu tư của Fintech vào Đông Nam Á đã đạt mức 4,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, vượt qua tổng số tiền đầu tư từ năm 2018 đến năm 2020.

Được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 vào năm 2030, sau Liên minh Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á tự hào có một nhóm dân số trẻ và sôi nổi nắm bắt công nghệ. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các vùng nông thôn và thu nhập hộ gia đình tăng cũng thúc đẩy những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân.

Mặc dù là mảnh đất màu mỡ cho các công ty Fintech phát triển, nhưng khu vực này vẫn cần phải vượt qua những thách thức cụ thể. Các nền kinh tế mới nổi thường phải đối mặt với những hạn chế về cơ sở hạ tầng tài chính và công nghệ, tình trạng thiếu hụt nhân tài, chế độ quản lý và thuế phức tạp cũng như sự bất ổn về chính trị và kinh tế. Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn hạn chế có thể là một trở ngại cho tăng trưởng của lĩnh vực này.

Vai trò của AI trong chuyển đổi Fintech

Việc áp dụng AI đã và đang biến đổi các ngành công nghiệp, bao gồm cả Fintech.

Trong lĩnh vực RegTech - các công nghệ được sử dụng để đơn giản hóa việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý của các tổ chức tài chính, việc áp dụng AI có ý nghĩa quan trọng. Hệ thống AI tinh vi hỗ trợ các lĩnh vực như xác minh danh tính, phát hiện gian lận và chống rửa tiền (AML).

Vai trò của AI trong các sản phẩm, dịch vụ tài chính dự kiến ​​sẽ tăng theo cấp số nhân và định hình tương lai của Fintech. Các công ty Fintech có thể tận dụng đòn bẩy ở Đông Nam Á để mở rộng quy mô và tiến hành nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực này.

Đóng góp của Fintech cho sự bền vững

Sự ghi nhận đối với tính bền vững và tài chính xanh ngày càng tăng bởi các lĩnh vực này mang lại động lực tăng trưởng lớn cho các công ty Fintech ở khu vực.

Cùng với đó, châu Á là khu vực có dân số hơn 4,5 tỷ người, trong đó, có 5 trong số 10 quốc gia sở hữu phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc - chiếm khoảng 45% lượng khí thải toàn cầu. Cuộc đua thúc đẩy các nền kinh tế xanh ở khu vực này đang tăng tốc khi năm 2030 đến gần.

Do đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các bên liên quan trong việc áp dụng các biện pháp thực hành xanh hóa, tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ bền vững thực hiện các giải pháp của mình.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, nhiều nền tảng Fintech cung cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp khả năng tiếp cận tài chính xanh dễ dàng và thuận tiện. Các nền tảng này cũng cho phép nhà đầu tư tham gia vào các khoản đầu tư bền vững và có trách nhiệm, chẳng hạn như các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Minh Ngọc