Khởi xướng cuộc chiến giảm giá, MWG báo lãi quý II/2023 thấp kỷ lục
Đầu quý II/2023, lãnh đạo MWG từng tuyên bố sẽ khiến các đối thủ "rên xiết" bằng việc kích hoạt cuộc chiến giảm giá nhưng đến hiện tại chính MWG cũng đang chứng kiến mức lợi nhuận sau thuế thấp kỷ lục, chỉ đạt 17 tỷ đồng.
Cuộc chiến hạ giá "bào mòn" lợi nhuận
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 24.465 tỷ đồng, giảm 14% so với quý II/2022. Trong kỳ, giá vốn giảm chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 26% so với cùng kỳ, đạt 5.441 tỷ đồng, kéo biên lãi gộp giảm xuống 18,5%, từ mức 21,4% của cùng kỳ.
Cùng với sự suy giảm của doanh thu hoạt động cốt lõi, quý II, MWG cũng phải gánh chi phí cao hơn. Trong đó, chi phí tài chính tăng gần 37 tỷ đồng, tương đương 10%, lên 397 tỷ đồng và chi phí bán hàng tăng 403 tỷ đồng (tăng 8%) lên 5.211 tỷ đồng.
Bù lại, doanh thu tài chính đạt gấp đôi cùng kỳ, lên 598 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 54% xuống 300 tỷ đồng.
Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 17,4 tỷ đồng, giảm tới 98,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục của MWG kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2014).
Việc lợi nhuận quý II bị "bào mòn" phần lớn nguyên nhân là do từ cuối tháng 4/2023, MWG đã tung ra chiến dịch “giá rẻ quá” với việc đại hạ giá nhiều sản phẩm điện thoại, laptop, điện máy để cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp trong ngành trong bối cảnh sức mua các mặt hàng ICT & CE yếu.
Theo MWG, sức mua điện thoại, điện máy nói chung đã suy yếu từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ máy lạnh và quạt). Để thu hút khách hàng mới (nhóm chưa được phục vụ hoặc nhạy cảm về giá), công ty đã thực hiện chiến dịch "giá rẻ quá" với nhiều khuyến mãi.
Sức mua yếu cũng đã khiến cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023 của MWG giảm mạnh, trong đó, lãi sau thuế chỉ đạt 21,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 56.570 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 39 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, MWG mới chỉ thực hiện được 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lãi sau thuế.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và Topzone ước đạt 13.351 tỷ đồng (đóng góp 23,6% vào tổng doanh thu), Điện Máy Xanh đạt 28.228 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 49,9%). Như vậy, tổng doanh thu của hai chuỗi này trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 41.500 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Ngược lại, Bách Hóa Xanh lại trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của MWG với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đóng góp 24,2% vào doanh thu.
Trong tháng 6, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã vượt 1,45 tỷ đồng, cao hơn mức 1,3 tỷ đồng hồi đầu năm.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của MWG đang ở mức 59.369 tỷ đồng, tăng 3.535 tỷ đồng (tương đương tăng 6,3%) so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 49.611 tỷ đồng, bao gồm gần 25.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng mạnh so với mức 15.000 tỷ đồng hồi đầu năm.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm 3.900 tỷ đồng so với đầu năm về mức 22.156 tỷ đồng, giảm ở tất cả các mặt hàng thiết bị điện tử, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, thực phẩm,... Cùng với đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã giảm xuống 280 tỷ đồng, từ mức 360 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ của "ông lớn" bán lẻ này tăng gần 11% so với đầu năm, lên 35.404 tỷ đồng, do nợ ngắn hạn tăng thêm 3.500, lên mức 29.505 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn ở mức 16.337 tỷ đồng, tăng 5.669 tỷ đồng so với đầu năm.
Tính tới thời điểm cuối quý II, số lượng nhân viên của MWG là 68.000 người, gần như không biến động so với cuối quý I, song đã giảm 6 nghìn người so với đầu năm.
Lợi nhuận ngược chiều giá cổ phiếu
Giữa bối cảnh cầu hàng hoá tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu, không chỉ doanh thu, lợi nhuận của MWG sụt giảm mạnh mà nhiều "ông lớn" bán lẻ khác cũng chung cảnh ngộ, nhất là khi cũng tham gia cuộc chiến cạnh tranh giá bán để giành thị phần.
Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) mới đây cũng báo lỗ sau thuế 215 tỷ đồng trong quý II/2023. Lỗ ròng (lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ) là 219 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của doanh nghiệp này. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, FRT lỗ sau thuế 213 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 216 tỷ đồng.
Hay một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) cũng ghi nhận lãi sau thuế quý II giảm 36,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 87 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế của công ty đạt 162 tỷ đồng, giảm 53,3% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhất là quý II/2023 kém khởi sắc là thế nhưng trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư có lẽ vẫn đặt kỳ vọng vào các cổ phiếu bán lẻ. Theo đó, giá cổ phiếu MWG đã tăng 44% trong 2 tháng qua, trong khi giá cổ phiếu FRT, DGW cũng lần lượt tăng 44% và 51% trong cùng khoảng thời gian.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng thời điểm khó khăn nhất với các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã qua. Tuy nhiên, tiêu dùng không thiết yếu dự kiến sẽ vẫn yếu ít nhất là cho đến hết quý II, III/2023 do những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở đó, SSI Research cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi.
Dù vậy, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý IV/2023 đến năm 2024. Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng; điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện; các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý II/2023.