Định danh tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại di động có khả thi?
Chuyên gia cho rằng yêu cầu định danh bằng số điện thoại không phải vấn đề thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ về mặt kỹ thuật.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một nội dung được đề xuất bổ sung vào Dự thảo mới là quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Vì vậy, yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là việc cấp thiết và được đánh giá “đem đến nhiều lợi ích”.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) nhận định: “Nếu được định danh, mỗi tài khoản sẽ có được những quyền lợi cơ bản giống như tick xanh mà bạn không cần phải là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Khi đó, tài khoản được gắn liền với giấy tờ tuỳ thân của bạn, nếu chẳng may bị hack, bạn có thể đưa giấy tờ chứng minh để lấy lại tài khoản. Ngoài ra, người dùng cũng có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xử lý các tài khoản khác mạo danh mình”.
Theo Bộ TT&TT, quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần mạng xã hội trong và ngoài nước đều yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định mới sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng với mạng xã hội trong và ngoài nước.
“Siết” đăng ký nhiều SIM điện thoại
Để hiện thực hoá quy định định danh tài khoản mạng xã hội thông qua số điện thoại di động, Bộ TT&TT tất nhiên buộc phải siết chặt quản lý việc đăng ký thuê bao viễn thông.
Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) xử lý thuê bao đứng tên trên 10 SIM không đúng quy định. Các thuê bao sở hữu nhiều SIM được các nhà mạng yêu cầu cập nhật lại thông tin chính xác, rà soát cam kết bảo đảm các khách hàng sử dụng nhiều số thuê bao đúng với mục tiêu đăng ký sử dụng trong hợp đồng, thậm chí tạm dừng dịch vụ để yêu cầu khách hàng rà soát, làm rõ việc sở hữu.
Thực tế, có cá nhân sở hữu hàng trăm SIM, từ đó dẫn đến tình trạng thuê bao đứng tên một khách hàng không trùng khớp với người sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người sử dụng. Việc siết quản lý thuê bao sở hữu trên 10 SIM cũng ngăn chặn tình trạng kích hoạt sẵn, bán SIM tràn lan…
Cục Viễn thông xử lý các sai phạm như đứng tên đăng ký nhiều SIM, thực hiện kích hoạt sẵn, kích hoạt nhiều SIM thuê bao và bán, lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện thay đổi thông tin theo quy định, giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt SIM....
“Về mặt kỹ thuật, yêu cầu định danh bằng số điện thoại không phải vấn đề thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ. Quan trọng là khả năng thuyết phục của Việt Nam với các nhà cung cấp này thế nào. Nhưng với một thị trường 100 triệu dân, các nhà cung cấp sẵn sàng hợp tác để cung cấp dịch vụ cho Việt Nam theo đúng pháp luật là chuyện bình thường. Hiện tại, Zalo bắt buộc đăng ký bằng số điện thoại, còn các nền tảng khác có thêm tuỳ chọn qua email.
Tất nhiên vẫn còn thách thức rất lớn, không phải quốc gia nào cũng yêu cầu xác thực bằng số điện thoại. Việc một người tạo tài khoản ở một quốc gia khác, sau đó mang về sử dụng tại Việt Nam sẽ phải quản lý thế nào. Đây là bài toán khó cho cả nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý tại Việt Nam”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết.