Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với Đoàn công tác châu Phi về hoạt động giao dịch bảo đảm
Ngày 31/7/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác châu Phi, gồm các cán bộ cấp cao của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tư pháp từ các nước Angola, Ethiopia, Ghana, Liberia, Nigeria và Nam Phi, nhằm chia sẻ về kinh nghiệm phát triển lĩnh vực giao dịch bảo đảm tại Việt Nam.
Tiếp đoàn công tác châu Phi có ông Nguyễn Quốc Hùng -Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA; ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc công ty dịch vụ số Viettel, Phó Chủ nhiệm CLB Fintech thuộc VNBA; đại diện Ủy ban Công nghệ VNBA cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Cơ quan Thường trực VNBA.
Thông tin với đoàn công tác châu Phi về cơ sở pháp lý hình thành cơ chế giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, cho biết: Để đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn cũng như những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi Bộ luật Dân sự 2005 ra đời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, tạo lập hành lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung, xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm nói riêng an toàn, hiệu quả hơn, làm tăng cơ hội tiếp cận của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn ngân hàng, góp phần thúc đẩy thị trường vốn và hoạt động sản xuất - kinh doanh vận động trong khuôn khổ hành lang pháp lý an toàn, minh bạch, giúp Nhà nước có được những thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình hoạch định các chính sách mang tính vĩ mô, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chính sách bảo đảm an toàn tín dụng.
Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được đăng ký và công khai hoá đã hạn chế được những tranh chấp phát sinh do các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (TSBĐ) trước khi ký kết, thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, qua đó góp phần tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Tại Việt Nam, cơ quan vận hành hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm là Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, được thành lập năm 2001, trực thuộc Bộ Tư pháp. Từ ngày năm 2017, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã chính thức vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến ở mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến (mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ). Việc vận hành hệ thống đã tạo một bước ngoặt quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa tình trạng pháp lý của TSBĐ, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cũng như tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin kịp thời, qua đó, thiết lập các giao dịch đảm bảo một cách an toàn, giảm thiểu rủi ro pháp lý. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn, trong khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản.
Năm 2013, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với nhiệm vụ mua lại số nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế. Từ đó, VAMC đã trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu. Ngay sau khi thực hiện mua nợ thị trường và mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC cũng phối hợp với TCTD để thực hiện đồng bộ mọi giải pháp về xử lý nợ, kể cả các biện pháp thu giữ tài sản.
Tuy nhiên, hoạt động của VAMC cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đứng trước thực trạng đó, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42). Đây được coi là văn bản cao nhất quy định một cơ chế đặc thù riêng, có tính chất tháo gỡ trong ngắn hạn cho hoạt động xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu của TCTD.
Nghị quyết 42 được ban hành đã giải quyết được một số trở ngại và góp phần vào việc giảm số lượng nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế từ Bộ luật dân sự và các Luật khác làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai Nghị quyết 42 và nhiều vấn đề mà Nghị quyết 42 chưa thể giải quyết được.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đến từ 6 quốc gia châu Phi đã đặt nhiều câu hỏi nhằm tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt là trong trường hợp 1 tài sản được bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ nợ tại các TCTD khác nhau), thị trường mua bán nợ xấu, kinh nghiệm định giá tài sản (là khoản nợ và tài sản thế chấp), cho vay có TSBĐ là sở hữu trí tuệ, cách thức nâng cao ý thức trả nợ của người vay, thị trường thứ cấp về động sản, tỷ lệ tài sản là bất động sản và động sản trong hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm…, cũng như vai trò của VNBA trong việc thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm.
Thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã trả lời, chia sẻ thông tin đối với các vấn đề mà phía đoàn châu Phi quan tâm. Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh những nỗ lực của VNBA trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, từ hoạt động xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp luật về giao dịch bảo đảm đến cung cấp các khóa đào tạo, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho các hội viên về tài trợ vốn có bảo đảm là các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh.
“Với vai trò cầu nối, đại diện cho tiếng nói của các tổ chức hội viên, VNBA đã luôn bám sát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các TCTD nói chung và vướng mắc về giao dịch bảo đảm nói riêng, trên cơ sở đó phản ảnh, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ”, đại diện VNBA cho biết.
Cụ thể, trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch bảo đảm, VNBA đã luôn tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo ngay từ khâu rà soát, tổng kết, đánh giá các quy định, phản ánh các quy định còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng và tham gia vào quá trình soạn thảo, xây dựng văn bản. Bên cạnh đó, VNBA tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự, Nghị định để cơ quan soạn thảo có cơ hội trao đổi, lắng nghe trực tiếp ý kiến góp ý của các TCTD vào từng điều khoản của dự thảo, qua đó giúp văn bản ban hành đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, VNBA cũng tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại các diễn đàn góp ý cơ chế chính sách liên quan đến giao dịch bảo đảm. Nhiều ý kiến của VNBA đã được cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao.
Ngay sau khi Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 21/2021/NĐ-CP, Nghị định 99/2022/NĐ-CP được ban hành, VNBA đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức các hội nghị triển khai đến các cán bộ tín dụng, pháp chế và những người liên quan của các TCTD trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo điều kiện cho tất cả cán bộ nắm bắt, triển khai có hiệu quả khi các văn bản này chính thức có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách, VNBA cũng rất tích cực trong việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho các hội viên về tài trợ vốn có bảo đảm là động sản, trong đó các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh. Trong những năm vừa qua, VNBA đã phối hợp với IFC tổ chức rất nhiều hội thảo, khóa học liên quan đến tài trợ vốn có TSBĐ là động sản.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến hoạt động giao dịch bảo đảm và xử lý nợ xấu, các đại diện VNBA cũng đã thông tin tới đoàn công tác châu Phi về hoạt động của CLB Fintech thuộc VNBA cũng như sơ lược về hoạt động của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ethiopia Amatto Solomon Desta gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những chia sẻ hữu ích, thú vị của Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng và cho rằng đây là những kinh nghiệm bổ ích, đáng cân nhắc để áp dụng.