Hoạt động ngân hàng

Vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng vượt 888,8 nghìn tỷ đồng

Ngô Hải 03/08/2023 - 14:26

Tính đến tháng 5/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 888.864 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2022.

vnd.jpg
Vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng vượt 888,8 nghìn tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố số liệu thống kê về hoạt động của hệ thống TCTD đến tháng 5 năm 2023, trong đó, hàng loạt các chỉ tiêu cơ bản: Tổng tài sản, vốn điều lệ... đã có những thay đổi so với thời điểm cuối năm 2022.

Về vốn điều lệ, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến  tháng 5/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 888.864 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2022, trong đó:

Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 190.433 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2022.

Nhóm NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 472.211 tỷ đồng, tăng 0,60% so với thời điểm cuối năm 2022.

Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 154.508 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cuối năm 2022.

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính có tổng vốn điều lệ đạt 39.665 tỷ đồng, tăng 1,28% so với cuối năm 2022; Ngân hàng Chính sách xã hội có vốn điều lệ 22.185 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ là 3.030 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ là 6.832 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cuối năm 2022.

Báo cáo cập nhật thông tin hội viên tháng 7/2023 vừa được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam công bố cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế...

Đáng chú ý, hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các NHTM đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Ví như, ACB vừa tăng vốn điều lệ thêm 5.066 tỷ đồng, từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng….

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến nay đã có 25 NHTM có đủ điều kiện tăng vốn trong thời gian tới. Nếu các kế hoạch tăng vốn được thực hiện thành công, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Trở lại với thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 5/2023, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 18,23 triệu tỷ đồng, giảm 0,21% so với cuối năm 2022, trong đó: Nhóm NHTM nhà nước có tổng tài sản đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, giảm 2,21% so với cuối năm 2022; nhóm NHTM cổ phần có tổng tài sản đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 6,85% so với cuối năm 2022; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng tài sản đạt hơn 1,68 triệu tỷ đồng, giảm 4,84% so với cuối năm 2022…

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bình quân toàn hệ thống ở mức 25,6%, trong đó: Nhóm NHTM nhà nước ở mức 24,87%, nhóm NHTM cổ phần ở mức 31,53%...

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống ở mức 76,58%, trong đó: Nhóm NHTM nhà nước có tỷ lệ là 82,11%; nhóm NHTM cổ phần có tỷ lệ là 77,38%...

Tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ an toàn (CAR) của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,70% (giảm nhẹ so với mức 11,68% vào thời điểm cuối năm 2022), trong đó: Tỷ lệ an toàn vốn Nhóm NHTM nhà nước đạt 9,53% (tăng 0,37% so với cuối năm 2022); nhóm NHTM cổ phần đạt 11,90% (giảm 0,11%); nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 21,21% (tăng 2,05%).

Với hệ số CAR của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, dù các NHTM đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Do vậy, việc tiếp tục tăng vốn điều lệ vẫn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các NHTM.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các TCTD (đặc biệt là với các NHTM có sở hữu Nhà nước). Dù hệ số CAR của các ngân hàng đã tăng trong thời gian qua nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các NHTM khu vực (khoảng 12-14%), trong khi đó việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.

Để gia tăng nguồn lực cho các TCTD và để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn, các ngân hàng cần tiếp tục tăng vốn, điểm tích cực là các NHTM đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và 1-2 năm tới.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: “Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục cho các NHTM nhà nước giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay”.

Ngô Hải