Kết nối

Giảm thuế, lệ phí và lãi suất vay là kỳ vọng hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay

A.Đ 05/08/2023 20:48

Đây là những kết quả khảo sát được trình bày tại Báo cáo Thực trạng Nhân sự ngành Sản xuất 2023 của Navigos Group ngày 4/8.

Khảo sát của Navios Group cho thấy, ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu mỗi ngành, trong đó có ngành bị ảnh hưởng cao nhất lên đến 91% doanh nghiệp.

Theo số liệu thu thập được, hơn 50% doanh nghiệp mỗi ngành ghi nhận sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn có ít nhất 9%, và nhiều nhất 50% doanh nghiệp các ngành ghi nhận doanh thu giữ nguyên, chưa bị ảnh hưởng hoặc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Cụ thể, ngành công nghệ cao nổi bật với 28% doanh nghiệp tăng trưởng và 21% sụt giảm doanh thu thấp (dưới 10%).

Ngành dệt may, da giày lại có đến 44% doanh nghiệp sụt giảm 20 - 40% doanh thu và chỉ có 8% doanh nghiệp tăng trưởng.

Ngành dược phẩm/công nghệ sinh học có 37% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% doanh thu và 21% vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Ngành nông nghiệp/lâm nghiệp có 42% doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng và không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Ngành sản phẩm công nghiệp có 22% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% và 9% doanh nghiệp tăng trưởng.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng /thực phẩm có 26% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% doanh thu và 21% không bị ảnh hưởng.

Ngành Sản xuất vật liệu xây dựng có tới 91% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu.

Ngành tự động hóa /ô tô cũng gặp phải khó khăn khi có đến 30% doanh nghiệp bị giảm doanh thu ở mức 20%.

Các ngành khác có mức ảnh hưởng cao khi 33% doanh nghiệp giảm đến trên 40% doanh thu của mình.

Về các yếu tố ảnh hưởng doanh thu các ngành, sự sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp phần lớn cùng lúc chịu ảnh hưởng từ cả 2 yếu tố là nguồn cầu trong nước và nước ngoài.

Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, có ít nhất 33% các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực tham gia khảo sát ghi nhận ảnh hưởng cùng lúc đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, giải pháp hàng đầu các doanh nghiệp đã chọn để ứng biến với tình hình là duy trì hoặc thu hẹp quy mô cũng như cắt giảm nhân sự.

Tuy vậy, vẫn có khoảng 7 - 25% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết sẽ mở rộng thêm quy mô, và dưới 36% còn lại nhận đơn gia công thêm mặt hàng khác. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hết mình để ứng biến và duy trì hoạt động trong bức tranh kinh tế ảm đạm.

Phần lớn doanh nghiệp dự đoán cần từ 12 tháng trở lên để thị trường có thể phục hồi trở lại.

Về mong đợi hỗ trợ từ Chính phủ, báo cáo đã chỉ ra chính sách giảm thuế, lệ phí và giảm lãi suất vay là mối quan tâm về kỳ vọng hàng đầu từ các doanh nghiệp.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, 29 - 70% doanh nghiệp ở các ngành mong đợi được chính phủ hỗ trợ về giảm thuế, lệ phí. Bên cạnh đó, 7 - 50% doanh nghiệp ở các ngành kỳ vọng sự hỗ trợ đến từ các chính sách giảm lãi suất vay. Còn lại, một số ít doanh nghiệp muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất, và một số mong đợi khác.

Trong khi chờ đợi thị trường phục hồi trở lại, đa phần các doanh nghiệp (62%) vẫn chọn giải pháp tận dụng thời gian để cải thiện năng suất và đón đầu thị trường. Chỉ có 38% doanh nghiệp tập trung duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu.

Các doanh nghiệp đề cao cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường sau khủng hoảng, bên cạnh đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu.

Các doanh nghiệp về cơ bản thực hiện hai chiến lược để ứng phó với giai đoạn khó khăn hiện nay. Đó là tận dụng thời gian để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường sau khủng hoảng hoặc đảm bảo hoạt động kinh doanh tối thiểu. Trong đó, chiến lược “đón đầu thị trường” là nổi trội hơn cả khi được phần lớn các doanh nghiệp ở các ngành chủ động thực hiện.

A.Đ