Vấn đề - Nhận định

Người dân có thể giám sát cơ quan, cán bộ lãnh đạo thực thi nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Bích Lan 07/08/2023 - 11:48

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, cần công khai cơ chế bảo vệ cơ quan, cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm trong thực thi công vụ vì lợi ích chung bằng việc ban hành một Nghị quyết. Qua đó, người dân có thể theo dõi, giám sát việc làm của họ như thế nào để có đề xuất kịp thời.

Trong quá trình giám sát tại các địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phản ánh việc nhiều hạng mục đầu tư, công trình xây dựng thiết yếu để phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội, đời sống Nhân dân chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do việc giải ngân vốn đầu từ công còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề này cũng được nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 5 khi Quốc hội thảo luận về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình Mục tiêu quốc gia.

040820231146-giai-ngan-1.jpg
Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại kỳ họp thứ 5

Nhiều ĐBQH đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân của việc tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, Quốc hội cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Theo đó, cần ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập về cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.

Để có thêm sự đóng góp cho việc thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công gắn với hoạt động giám sát, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Phóng viên: Trong quá trình tiếp xúc cử tri, giám sát tại các địa phương, nhiều ĐBQH, lãnh đạo các Bộ ngành đã phản ánh việc giải ngân vốn đầu từ công còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhiều hạng mục của một số Chương trình Mục tiêu quốc gia không thể triển khai được. Đại biểu có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí là tổ chức các đoàn đại biểu đi thị sát thực tế tại các địa phương, công trình để thúc đẩy giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công dẫn đến nhiều hạng mục của một số Chương trình Mục tiêu quốc gia; giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thể thực hiện được, chậm tiến độ so với dự kiến.

040820231124-db-hoang-van-cuong.jpeg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp nên sự tăng trưởng kinh tế ở trong nước không thể trông chờ vào việc xuất khẩu hàng hóa mà phải đẩy mạnh nhu cầu ở trong nước. Do đó, một trong những việc làm thúc đẩy nhu cầu ở trong nước và thúc đẩy phát triển kinh tế là phải chú trọng giải ngân vốn đầu tư công.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do tâm lý e ngại, sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong phê duyệt cho việc chuẩn bị các dự án đầu tư công. Nhiều địa phương đang vướng mắc ở việc giải quyết các thủ tục giải ngân chứ không phải là do thiếu tiền.

Chính phủ đã có sự chỉ đạo kịp thời và mang tính hành chính trong việc thúc đẩy các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công như cán bộ lãnh đạo không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ thì có thể bị xử lý, thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng các biện pháp hành chính như vậy thì không thể thúc đẩy được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi lẽ tâm lý lo sợ, e ngại trong việc thực thi các công vụ hiện nay khá tràn lan trong đội ngũ cán bộ công chức. Việc e ngại này không phải là vô cớ mà có căn cứ thực tế vì nhiều người đã từng bị xử lý khi thực thi công vụ.

040820231133-nghe-an.jpg
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”

Tôi cho rằng, những vướng mắc trong hệ thống pháp luật vẫn còn khá phổ biến cho nên các cơ quan lập pháp đang tích cực sửa đổi một số luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Tuy nhiên, nếu chỉ chờ cho đến khi sửa xong một số luật, nghị định thì có thể kéo theo nền kinh tế sẽ bị đình trệ.

Phóng viên: Trong bối cảnh cần phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhằm giảm bớt những điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thì theo đại biểu, Quốc hội có cần đưa một Nghị quyết để tháo gỡ cho Chính phủ không và cần có biện pháp giám sát nào để giải quyết các thủ tục trong giải ngân vốn đầu tư công, thưa đại biểu?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thực tế, trong Nghị quyết của Đảng đã có kết luận số 14 về bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Đó là cơ sở để chúng ta có cơ chế bảo vệ họ vượt qua nhưng rào cản, ràng buộc về pháp luật trong giải quyết, thực thi công vụ được giao nhằm mang lại lợi ích chung. Theo tôi, cơ chế này cần được thực hiện nghiêm túc và Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ có thể để thực hiện theo quyết định của mình nhằm mang lại kết quả tốt, phù hợp hơn cho lợi ích cộng đồng, vì lợi ích chung. Cơ chế này cần được thực hiện công khai, minh bạch từ trước khi hành động cho đến khi triển khai.

040820231144-giai-ngan-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5 cho ý kiến về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023

Khi đã công khai thì người dân có quyền giám sát những việc làm, hành động của cơ quan, cán bộ lãnh đạo đó như thế nào. Chính Nhân dân sẽ nhận biết, theo dõi được các cơ quan, Bộ ngành, cán bộ lãnh đạo vượt qua những khuôn khổ luật pháp để thực thi công vụ có động cơ gì, liệu có vì lợi ích chung hay là vì động cơ cá nhân để có đề xuất kịp thời.

Như vậy, chúng ta có thể tránh được việc cán bộ lãnh đạo dựa vào những quy định của luật pháp nhằm trì hoãn giải quyết các thủ tục liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công cũng như trong những công việc hành chính khác cho người dân và xã hội. Mặt khác cũng mới khuyến khích được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những ràng buộc, rào cản để thực hiện công vụ vì lợi ích chung.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan