Kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cần điều chỉnh khi những bất ổn địa chính trị gia tăng
Theo nhà kinh tế học Yu Yongding, cựu cố vấn chính sách cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), ngay cả khi việc “vũ khí hóa” đồng đô la Mỹ của Washington đang thúc đẩy nhiều nước đang phát triển tăng cường nắm giữ đồng Nhân dân tệ, thì điều này cũng gây ra mối đe dọa quá lớn đối với tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc đến mức Bắc Kinh phải linh hoạt điều chỉnh kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của mình.
Theo bài báo mới xuất bản tuần trước của cựu cố vấn này, “sự an toàn của các khoản tài sản Trung Quốc nắm giữ ở nước ngoài ngày càng trở thành một vấn đề địa chính trị”.
Yu, người hiện đang là cố vấn học thuật cho Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 do Chínhphủ hậu thuẫn, cho rằng: “Việc vũ khí hóa đồng đô la Mỹ đã phá hủy hoàn toàn tín dụng quốc gia của Trung Quốc mà hệ thống tiền tệ quốc tế dựa vào".
Trung Quốc đã cắt giảm 105 tỷ USD, tương đương 11% lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nắm giữ trong năm qua tính đến tháng 5, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về việc Mỹ đóng băng tài sản trị giá 300 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Nga thông qua các biện pháp trừng phạt do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
“Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là một trong những công cụ, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng, để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực xuyên biên giới và đảm bảo an toàn cho các tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc,” nhà kinh tế này cho biết.
Sự gia tăng vị thế quốc tế của đồng Nhân dân tệ phụ thuộc một phần vào sự suy giảm vị thế của đồng USD, trong khi xung đột Nga-Ukraine đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa tài sản.
Tham vọng của Bắc Kinh đối với đồng Nhân dân tệ, bắt đầu vào năm 2009 với các thỏa thuận thương mại được đưa ra với việc đồng tiền Trung Quốc là đồng tiền thanh toán, cũng như sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số và hệ thống thanh toán xuyên biên giới, đã trở nên phổ biến ở nhiều nước đang phát triển.
Trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã từng công khai kêu gọi thanh toán bằng đồng nội tệ, thay vì thông qua đồng USD, chính phủ Argentina cũng đã trả khoản nợ của IMF bằng đồng Nhân dân tệ có được thông qua kế hoạch hoán đổi tiền tệ song phương.
Chính phủ Trung Quốc không đặt mục tiêu định lượng cho việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, song các nhà lãnh đạo muốn một sự phát triển có trật tự. Các học giả và tổ chức tư vấn thường trích dẫn mục tiêu đưa đồng tiền Trung Quốc ngang bằng với đồng USD và đồng Euro vào năm 2035.
Theo một báo cáo của Trường Đại học Renmin của Bắc Kinh công bố vào tuần trước, chỉ số quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ – được đánh giá trên phương diện mức độ sử dụng trong giao dịch quốc tế, dự trữ ngoại hối và giao dịch – đã ghi nhận số điểm là 6,4 trên 100 vào năm ngoái.
Đây là mức xếp hạng cao nhất của đồng Nhân dân tệ cho đến nay, nhưng còn kém xa so với đồng USD và đồng Euro, lần lượt đứng ở mức 50,5 và 25,16.
Đồng Nhân dân tệ cũng xếp thứ 5 trong danh sách thanh toán toàn cầu của Swift, với 2,77% thị phần trong tháng 6, xếp sau đồng USD ở mức 42% hay đồng Euro ở mức 21,25%.
Theo chuyên gia kinh tế Yu, các biện pháp trừng phạt tương đương với sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods trong tài chính quốc tế, một sự kiện mang tính bước ngoặt khi vào năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố đình chỉ “tạm thời” khả năng chuyển đổi của đồng USD thành vàng.
Ông nói: “Những thay đổi địa chính trị đã mang lại cơ hội cho đồng Nhân dân tệ đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế”.
Nga, sau khi bị từ chối tiếp cận đồng USD, đã bắt đầu sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại, giao dịch ngoại hối và dự trữ.
Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 190,3 tỷ USD vào năm 2022, tăng 29,3% so với năm trước. Quý I năm nay, thương mại giữa 2 quốc gia này đạt 53,8 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, trong tháng 3, giá trị giao dịch mua Nhân dân tệ của các công dân Nga đã tăng lên 41,9 tỷ Ruble (450 triệu USD), từ mức 11,6 tỷ Ruble trong tháng 2.
Điều này đã thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa ngoại hối của một số quốc gia, đặc biệt là các ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển, bằng cách ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Tính đến tháng 7, hơn 70 tổ chức là ngân hàng trung ương đã tham gia thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc và các cơ quan quản lý tiền tệ ở hơn 75 quốc gia và khu vực đã đưa đồng Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại hối của họ.
Theo nhà kinh tế Yu, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ phản ánh nhiều hơn xu hướng “phi đô la hóa” của thị trường tiền tệ quốc tế, đặc biệt là nỗ lực của các nước đang phát triển nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh khoản, để ngăn chặn việc Mỹ lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính.
Ông nói thêm: “Phi đô la hóa không phải là một biến động theo chu kỳ, mà là một xu hướng dài hạn”.
Theo phân tích của Nikkei vào tuần trước, trong quý II, đồng Nhân dân tệ chiếm 49% giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc và dữ liệu hàng quý lần đầu tiên vượt qua đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế nhiều hơn cũng sẽ đi kèm với rủi ro cao hơn, như đã thấy trong cuộc khủng hoảng đồng Baht Thái Lan năm 1997 và với đồng đô la Hồng Kông một năm sau đó.
Ông Yu cho biết thêm, Trung Quốc cần đẩy nhanh sự phát triển của nhu cầu trong nước và đạt được sự cân bằng thương mại thông qua cải cách cơ cấu.
(Nguồn: SCMP)