Giảm lãi suất chỉ là "điều kiện cần" để kích cầu tín dụng
Sau các đợt giảm lãi suất cho vay liên tiếp trước đó, ngay đầu tháng 8/2023, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất nhằm kích cầu tín dụng những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để những giải pháp của ngành Ngân hàng phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ thị trường đầu ra cho doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay liên tục giảm
Nhằm hưởng ứng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ngày 7/8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ tư của MSB kể từ đầu năm 2023.
Sau điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí,… của MSB chỉ còn từ 8,99%/năm, với thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.
OCB cũng vừa tung gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỷ đồng. Theo đó, từ tháng 8/2023, khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm, với khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5%/năm.
Trong tháng 7/2023 vừa qua, OCB cũng giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.
Chia sẻ về các quyết định giảm lãi suất, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: “Hoạt động giảm lãi suất huy động đi cùng với giảm lãi suất cho vay nhận được sự hưởng ứng lớn từ thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp, mà khách hàng của doanh nghiệp là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh”.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng vừa công bố chương trình tín dụng có quy mô 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ. Đi cùng với việc giảm lãi suất, Agribank cũng điều chỉnh giảm tối đa 50% các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại cho khách hàng. Trước đó, Agribank cũng đã 7 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay (3 lần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên, 4 lần với lãi suất cho vay thông thường) để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
Kể từ ngày 1/8-31/12/2023, Vietcombank tiếp tục giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay bằng đồng VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…).
Hay LPBank vừa mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. VietBank cũng triển khai gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 8,9%/năm cho doanh nghiệp đến ngày 30/8. ACB đẩy mạnh gói vay ưu đãi quy mô tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, với mức lãi suất giảm tối đa 3% so với biểu lãi suất….
Khảo sát ở nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất cho vay đang tiếp tục giảm, đặc biệt các gói vay ưu đãi đang có lãi suất thấp hơn biểu lãi suất từ 0,5-3%/năm tùy nhóm. Bên cạnh lãi suất, nhiều ngân hàng cũng điềm chỉnh miễn giảm phí dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong báo cáo về thị trường tiền tệ vừa phát hành, CTCK VnDirect đánh giá, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ: Tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2023; và tác động từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong năm nay và tin rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân”, VnDirect kỳ vọng.
Nhưng để đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc đồng bộ của các chính sách, nhất là chính sách tài khóa
Bất chấp ngành Ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay kể từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức 4,73% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (cuối quý II/2022 đạt 9,4%), nguyên nhân là do sức cầu yếu của nền kinh tế.
Để gỡ nút thắt tín dụng, giới chuyên môn cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác tạo đầu ra cho doanh nghiệp (chính sách tài khoá, chính sách hỗ trợ thị trường…), từ đó mới tăng nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành Ngân hàng mà còn cần sự vào cuộc và chung tay của các ngành, nghề khác.
Thực tế thì đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các TCTD cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.
Theo TS. Lê Duy Bình, giảm lãi suất là thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng qua giảm hình thức giảm "giá". Nhưng cũng cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai quan trọng hơn để kích cầu tín dụng nằm trong tay chính các doanh nghiệp và người dân, đó là năng lực hấp thụ vốn.
“Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh, đầu tư xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến vai trò của chính sách tài khóa trong giai đoạn này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: “Chính sách tiền tệ đã quá sức rồi, lúc này cần nhấn mạnh đến chính sách tài khóa. Trong thời điểm hiện nay, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Đầu tiên cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ”.
Để tăng cầu tín dụng trong nền kinh tế, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam đề xuất nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này”, ông Ketut Ariadi Kusuma nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp then chốt của công cụ chính sách tài khóa mở rộng được ông Ketut Ariadi Kusuma đề xuất là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Quá trình này giúp cải thiện hạ tầng công cộng, thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, cung cấp các chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi suy giảm tăng trưởng kinh tế, cũng nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%. Có 40/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% (tỷ lệ trung bình của cả nước), trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chi giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn. Nếu như trong 5 tháng còn lại của năm 2023, các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đề gia từ đầu năm, sẽ góp phần kích cầu đầu tư và tiêu dùng, qua đó kích cầu tín dụng trong nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, nếu dồn dập quá vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, mà phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách tốt hơn. Giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Cần tiếp tục có các giải pháp khơi thông những kênh dẫn vốn khác, như: Trái phiếu doanh nghiệp,…
“Giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan trong 2 tháng vừa rồi, chúng tôi thấy, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán. Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý và kiến nghị: “Phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả”.