Do lạm phát không chắc chắn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ cần phải linh hoạt hơn
Với những gì đã trải qua trong thập kỷ trước, BOJ cần tìm hiểu các lựa chọn để có tính linh hoạt hơn sau khi thông báo rõ ràng hơn về các điều chỉnh chính sách của mình.
Lạm phát đã quay trở lại ở Nhật Bản. Năm nay, Nhật Bản chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tới 4,3%, mức chưa từng thấy trong ba thập kỷ. Ở hầu hết các quốc gia, lạm phát thường không được chấp nhận, nhưng ở Nhật Bản, giá cả tăng thể hiện một cột mốc quan trọng trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài.
Có ý kiến cho rằng CPI tăng có thể là dấu hiệu của một nền kinh tế sôi động hơn, với đặc trưng là chi tiêu và nhu cầu lớn hơn. Điều đó đến lượt nó có thể đóng vai trò là dấu hiệu của sự chuyển đổi sang một lộ trình tăng trưởng bền vững và linh hoạt hơn.
Điều đó cũng có nghĩa là, tăng tốc lạm phát cũng đồng thời đặt ra một thách thức đáng kể trong xây dựng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Theo Tiến sĩ Jinho Choi, Phó trưởng nhóm kiêm Chuyên gia kinh tế cấp cao và Tiến sĩ Jae Young Lee, Trưởng nhóm kiêm Chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BOJ cần cẩn thận điều hướng để đạt được sự cân bằng mong manh giữa kích thích tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định giá cả.
Vào ngày 28/7, BOJ đã thực hiện một bước lùi nhỏ nhưng đáng kể trong lập trường chính sách tiền tệ siêu dễ dãi của mình thông qua hành động nới lỏng trần lãi suất trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, BOJ cũng đã rất rõ rằng khi khẳng định trọng tâm sẽ không thay đổi cho đến khi có thể đảm bảo rằng giá cả đang tăng khoảng 2% một năm một cách ổn định và bền vững.
CPI lõi của Nhật Bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, đã vượt qua mức mục tiêu của ngân hàng trung ương kể từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, BOJ tiếp tục thận trọng với những lợi ích và chi phí đánh đổi liên quan đến việc điều chỉnh các tham số chính sách hiện tại.
Cách tiếp cận từ từ của BOJ bắt nguồn từ sự không chắc chắn xung quanh triển vọng lạm phát trong tương lai. Theo quan điểm của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), CPI lõi của Nhật Bản trong tháng 6 vừa rồi lần đầu tiên giảm trong vòng 17 tháng qua xuống còn 4,2%, vẫn đang đạt đỉnh và có thể sẽ ở mức trung bình khoảng 3% trong năm nay và 2% trong năm tới.
Tuy nhiên, do những bất ổn xung quanh động lực lạm phát của Nhật Bản, nêntheo các chuyên gia IMF, BOJ đã đúng khi duy trì cách tiếp cận thận trọng. Tuy nhiên, đồng thời, ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để ở một trạng thái khác nếu các dấu hiệu lạm phát cao kéo dài xuất hiện.
Do giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản bắt đầu tăng nhanh đáng kể trong quý II/2022, muộn hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Đồng Yên mất giá mạnh so với đồng USD, sau đó đã khuếch đại sự gia tăng giá hàng nhập khẩu ở Nhật Bản.
Kể từ cuối năm 2022, đã có một sự thay đổi đáng chú ý khác về bối cảnh lạm phát. Giá dầu toàn cầu đã giảm trong khi đồng Yên vẫn tương đối ổn định sau khi giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Kết quả là đã có sự sụt giảm mạnh về giá nhập khẩu tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản đã tăng đà ở Nhật Bản trong năm nay, chủ yếu là do giá các hàng hóa và dịch vụ không liên quan đến năng lượng tăng. Tuy nhiên, không có gì lạ khi việc tăng giá như vậy cần có thời gian để thấm thấu vào một nền kinh tế. Thật vậy, AMRO ước tính rằng đồng Yên mất giá 10% có thể mất tới 9 tháng để chuyển vào giá tiêu dùng cao hơn.
Một số yếu tố then chốt có thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố lạm phát cao hơn kéo dài ở Nhật Bản.
Đầu tiên, xu hướng tăng trưởng tiền lương sẽ đóng một vai trò quan trọng. Các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân năm nay cho thấy những dấu hiệu về tiền lương, vốn đã bị đình trệ trong nhiều thập kỷ, cuối cùng cũng có thể tăng lên.
Các công ty lớn đã thực hiện tăng lương đáng kể - 3,9%, mức tăng lương lớn nhất trong 31 năm. Điều này báo hiệu sự công nhận của người sử dụng lao động về nhu cầu giải quyết chi phí sinh hoạt ngày càng tăng của nhân viên.
Tuy nhiên, có rất ít lý do để tin rằng mức tăng lương đáng kể trong năm nay sẽ tiếp tục được chuyển sang năm sau hoặc năm sau, để ngỏ câu hỏi liệu việc tăng lương có trở thành động lực cố thủ của lạm phát cao hơn hay không.
Quá trình truyền dẫn chi phí đầu vào của các công ty Nhật Bản sẽ là một yếu tố quan trọng khác trong bức tranh lạm phát.
Các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, có truyền thống do dự trong việc tăng giá cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, gần đây, đã có nhiều tác động của chi phí nguyên vật liệu và tiền lương cao hơn đối với khách hàng. Trong tháng 4, giá dịch vụ của Nhật Bản tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ năm 1995, không bao gồm hai giai đoạn giá cả bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế tiêu dùng.
Môi trường lạm phát cao hơn hiện nay có thể khiến các công ty Nhật Bản buộc phải tăng giá mạnh hơn để trang trải chi phí, gây ra rủi ro ngược đối với triển vọng lạm phát.
Cuối cùng, phải tính đến sự tăng đột biến của lạm phát do các yếu tố từ phía cung, mặc dù những tác động đó có xu hướng chỉ là tạm thời.
Theo các chuyên gia IMF, tác động của giá nhập khẩu cao hơn đối với lạm phát trong nước và kỳ vọng lạm phát cần được theo dõi. Những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra có khả năng gây ra sự gián đoạn nguồn cung tạm thời và có thể dẫn đến một đợt tăng giá năng lượng khác. Ngoài ra, do sự khác biệt về chính sách tiền tệ kéo dài giữa Mỹ và Nhật Bản, việc đồng Yên giảm giá nhanh chóng và thường xuyên có thể đẩy nhanh hơn nữa lạm phát trong nước.
Với những bất ổn đáng kể xung quanh động lực lạm phát của Nhật Bản, BOJ cần phải chuẩn bị cho sự xuất hiện của một giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch được đặc trưng bởi một môi trường lạm phát cao hơn kéo dài.
“Xét đến góc nhìn dài hạn hơn và xem xét những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, BOJ cần thật sự thận trọng khi bắt tay vào đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình”, các chuyên gia khuyến nghị.
Với những gì đã trải qua trong thập kỷ trước, BOJ cần tìm hiểu các lựa chọn để có tính linh hoạt hơn sau khi thông báo rõ ràng hơn về các điều chỉnh chính sách của mình. Cụ thể, BOJ có thể xem xét thừa nhận rằng mục tiêu lạm phát 2% lâu dài của mình có thể không phù hợp với các hành vi thiết lập giá cơ bản trong nước.
“Để đạt được một mục tiêu thiết thực và thực tế hơn, BOJ có thể xem xét áp dụng dải mục tiêu ổn định giá từ 1% đến 3%. Điều này sẽ cung cấp cho ngân hàng trung ương sự linh hoạt hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Với sự bất ổn liên tục trong môi trường toàn cầu, BOJ cần phải có khả năng thích ứng”, các chuyên gia nhấn mạnh.