Thị trường thiếu động lực khi bước vào "vùng trũng" thông tin
Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới
Đà tăng tích cực tiếp tục duy trì trong 2 phiên đầu tuần trước. Tuy nhiên, hoạt động chốt lời gia tăng cùng với những thông tin kém khả quan liên quan tới nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và lạm phát tại Mỹ nhích tăng trở lại trong tháng 7 đã khiến các chỉ số chứng khoán rung lắc mạnh trong 2 phiên sau đó.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhờ lực kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu VIC sau thông tin tích cực liên quan tới việc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, đã giúp chỉ số VN-Index phục hồi và chốt tuần tăng điểm. Kết tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.232,2 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với đầu tuần. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,2% lên 245,3 điểm và UPCOM-Index tăng 1,7% lên 93,3 điểm.
Tuần này chứng kiến sự phân hóa giữa các ngành với các nhóm bất động sản, thép tăng điểm tích cực trong khi nhóm hóa chất và xây dựng điều chỉnh. Bất động sản tiếp tục là nhóm tăng điểm mạnh nhất sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản. VIC (+16,7%) tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường khi đóng góp 10,1 điểm vào VN-Index. Theo sau là nhóm các cổ phiếu ngân hàng như STB (+10,0%), CTG (+3,5%), SSB (+7,1%) và LPB (+4,8%).
Thanh khoản tuần này giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 26.329 tỷ đồng (-1% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại quay sang bán ròng lần lượt 733 tỷ đồng và 50 tỷ đồng trên HOSE và HNX trong khi đó mua ròng mạnh trên UPCOM với giá trị 990 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 209 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Theo dự báo của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT, tuần này thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua đi, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin.
“Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, chúng tôi cho rằng thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới”, ông Đinh Quang Hinh nhận đinh.
Với việc điểm số lình xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng/điều chỉnh ngắn, nhà đầu tư được khuyến nghị nên hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn vì rủi ro đưa ra quyết định sai sẽ tăng lên khi liên tục đưa ra các quyết định trong một khoảng thời gian ngắn.
Ở thời điểm hiện tại, đối với các nhà đầu tư có giá vốn thấp thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, chỉ xem xét chốt lời đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Đối với những nhà đầu tư mới bán ra và đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa cần thiết phải giải ngân mua lại ngay mà chờ các nhịp điều chỉnh trong tuần để giải ngân dần nhằm tạo lợi thế nhờ giá vốn cạnh tranh.
Có góc nhìn tích cực hơn, các chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) cho rằng, thanh khoản duy trì ổn định ở mức cao và lực cầu bắt đáy tốt ở vùng giá thấp vẫn đang là yếu tố hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn. BSC kỳ vọng nhịp điều chỉnh đã đi qua và chỉ số có cơ hội hướng tới các vùng cao mới. Dù vậy, thị trường đang phân hóa mạnh và nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng cho chiến lược đầu tư trung hạn và tránh mua đuổi ngắn hạn.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, CTCK Tiên Phong (TPS) cho rằng, với đà tăng từ phiên cuối tuần, VN-Index được kỳ vọng sẽ nối dài đà hưng phấn trong tuần sau, qua đó giúp thị trường tiếp tục tăng điểm để hướng đến mục tiêu tiếp theo là vùng đỉnh 52 tuần (quanh mức 1.300 điểm). Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực chốt lời vẫn ở mức cao và thị trường cần hơn thời gian để hấp thụ lực bán thì vùng 1.200-1.210 điểm vẫn sẽ đóng vai trò chốt chặn quan trọng cho triển vọng thị trường.
Trên thị trường tài chính quốc tế, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn kết thúc tuần với mức giảm nhẹ bình quân 0,2%. Sau một tuần giảm mạnh, các thị trường chủ chốt châu Âu và châu Á đều tăng lại. Chỉ số EU600 tăng 1,4%, Nhật Bản tăng 1% trong khi thị trường Trung Quốc lại giảm trên 2% do các thông tin vĩ mô yếu kém. Trong tuần tới, thị trường chờ đợi biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) để có thêm thông tin dự đoán hành động Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong kỳ họp tháng 9.
Mặt khác, JP Morgan nhận định Mỹ sẽ không suy thoái trong năm 2023 thay đổi quan điểm so với dự báo đầu năm. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng nhẹ trong 2023 và rủi ro xảy ra suy thoái năm 2024 khá thấp. Suy thoái không còn là nỗi lo nhưng vẫn có nguy cơ nếu FED chưa dừng lộ trình tăng lãi suất.
Trái ngược với chuyển biến tích cực kinh tế Mỹ so nhận định đầu năm, kinh tế Trung Quốc đón thông tin tiêu cực về xuất khẩu tháng 7 giảm 14,5% so với cùng kỳ và CPI giảm 0,3%. Kim ngạch xuất khẩu giảm do sự chững lại của kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác thì nhu cầu nội địa yếu dẫn đến giảm phát. Điều này gây khó khăn cho nền kinh tế thứ hai thế giới lấy lại đà tăng trưởng