Nhìn ra thế giới

Trung Quốc hạ lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020

Quỳnh Dương 15/08/2023 12:58

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020 để vực dậy nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro mới từ khủng hoảng thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng èo uột.

pboc.jpg

Theo đó, ngày 15/8, PBoC quyết định hạ lãi suất cho các khoản vay kỳ hạn một năm, hay còn gọi là cơ sở cho vay trung hạn – MLF, 15 điểm cơ bản xuống còn 2,5%. Đây là lần thứ hai ngân hàng trung ương hạ lãi suất này kể từ tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, PBoC hạ thêm lãi suất chính sách ngắn hạn cũng 10 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%. PBoC trong một tuyên bố cho biết, việc nới lỏng tiền tệ nhằm "duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý".

1x-1-10-.png
PBoC duy trình chính sách nới lỏng tiền tệ

Đây là động thái gây bất ngờ do trước đó, giới chuyên gia đều dự đoán PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất. Động thái này cũng mở ra khả năng ngân hàng trung ương hạ lãi suất cơ bản (LPR) vào tuần tới.

Giới quan sát cho biết, tăng trưởng tín dụng chậm chạp và rủi ro giảm phát gia tăng đòi hỏi Bắc Kinh phải có nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn để thúc đẩy kinh tế. Trong khi đó, nguy cơ vỡ nợ tại một số nhà phát triển bất động sản lớn cũng ảnh hưởng đến niềm tin trên thị trường tài chính.

Tháng 7/2023, các dữ liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều ảm đạm hơn dự báo. Trong đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo tăng 4,3% từ các chuyên gia. Doanh số bán lẻ tăng chậm lại ở mức 2,5%. Tăng trưởng ở hoạt động đầu tư tài sản cố định cũng giảm xuống 3,4%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng từ 5,2% lên 5,3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) đồng loạt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Commerzbank, cho biết: “Tất cả các điều kiện kinh tế làm tăng thêm tính cấp bách khiến các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động nhanh chóng trước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp xấu đi một cách trầm trọng”.

“Việc hành động sớm hơn và với quy mô lớn hơn dự báo cho thấy, Bắc Kinh cho rằng cần phải gấp rút nới lỏng chính sách để ổn định kỳ vọng và tăng trưởng kinh tế”, Xiaojia Zhi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Credit Agricole, chia sẻ.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank, đánh giá, việc cắt giảm lãi suất bất ngờ là một phản ứng kịp thời để hỗ trợ tín dụng yếu.

“Đặc biệt, PBoC có thể có ý định hỗ trợ các điều kiện tín dụng trung hạn thông qua việc cắt giảm bất đối xứng và mở ra khả năng cắt giảm LPR vào đầu tuần tới, đặc biệt là LPR 5 năm, để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn”, Ken Cheung nhấn mạnh.

Trung Quốc vẫn đang đi ngược chiều các ngân hàng trung ương lớn toàn cầu với việc duy trì quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm vực dậy nền kinh tế đang đình trệ. Hầu hết các nước khác đều đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ chống lại lạm phát cao.

Động thái hạ lãi suất mới nhất của PBoC đã nới rộng khoảng cách lợi suất của Trung Quốc với nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ, gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ và có nguy cơ khiến dòng vốn chảy ra ngoài.

Quỳnh Dương