Doanh nghiệp

Huy động gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu cho các dự án năng lượng, Xuân Thiện Group đang làm ăn ra sao?

Hoàng Hà 17/08/2023 - 10:01

Xuân Thiện Group lần đầu công bố các chỉ tiêu tài chính cho thấy năm 2022, công ty lãi sau thuế gần 22 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm 2023 lại lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ đồng. Quy mô tài sản tại thời điểm ngày 30/6/2022 đạt hơn 8.200 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) vừa công bố tình hình tài chính năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn kinh doanh đa ngành và sở hữu hàng loạt dự án điện năng lượng mặt trời này công bố các chỉ tiêu tài chính.

Vốn chủ sở hữu gần 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm âm 1,7 tỷ đồng

Báo cáo tình hình tài chính năm 2022 của Xuân Thiện Group cho thấy, năm 2022, công ty lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng, gấp 5,7 lần mức lãi 3,8 tỷ đồng của năm 2021. Tuy nhiên, sang 6 tháng đầu 2023, công ty lại ghi nhận lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 13,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Xuân Thiện ở mức 5.975 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả đến cuối quý II/2023 bằng 0,38 lần vốn chủ sở hữu, tương đương tổng nợ phải trả là 2.270 tỷ đồng, giảm 17,4% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 418 tỷ đồng, tương đương cuối năm 2022.

Như vậy, tổng tài sản của Xuân Thiện Group tại thời điểm cuối quý II/2023 đạt 8.245 tỷ đồng, giảm 5,5% so với mức 8.725 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

xuanthien.png
Các chỉ tiêu tài chính 6 tháng đầu năm của Xuân Thiện Group - Nguồn: HNX

Mới đây, một doanh nghiệp thành viên của Xuân Thiện là Công ty CP Ea Súp 5 - chủ đầu tư của dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 5 cũng vừa công bố tình hình tài chính bán niên năm 2023 với mức lỗ sau thuế 24,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 33,4 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Ea Súp 5 ở mức 1.067 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ phải trả đến cuối kỳ là 3.350 tỷ đồng gấp 3,15 lần vốn chủ sở hữu và tăng 1.010 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% so với đầu năm. Trong đó dư nợ trái phiếu là 2.209 tỷ, giảm 100 tỷ sau hai quý. Tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 6/2023 do đó tăng 28% so với đầu năm lên mức 4.417 tỷ đồng.

Dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 5 có công suất 150 MW với tổng mức đầu tư 3.848 tỷ đồng, nằm trong tổ hợp dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp tại Đắk Lắk giai đoạn 1 (gồm 5 nhà máy Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 4, Ea Súp 5) với tổng công suất 830 MWp, sản lượng 1,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.

Đây là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất trong số 7 cụm dự án điện mặt trời do Xuân Thiện đầu tư. Đồng thời, dự án này cũng dẫn đầu top 10 trang trại năng lượng tái tạo đang vận hành có công suất lớn nhất Việt Nam và là nhà máy điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lớn thứ hai thế giới, bao gồm 22,2 km đường dây 500 kV và trạm biến áp 500 kV/1200 MVA.

Ngoài tổ hợp dự án nhà máy điện mặt trời tại Ea Súp, Đắk Lắk, Xuân Thiện Group cũng đã đưa vào vận hành dự án điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc và dự án Thuận Nam 12 thuộc cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận tổng công suất 305.9MWp.

Tập đoàn này đang dự kiến sẽ triển khai giai đoạn 2 của dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp gồm 10 nhà máy, công suất 1.936 MWp, sản lượng 3,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 33.500 tỷ đồng. Đồng thời, đã và chuẩn bị đầu tư các dự án điện gió khắp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Lắk với tổng công suất 3.000MW.

thi-phan-nang-luong-543.png
Thị phần công suất ngành điện tái tạo của Xuân Thiện Group so với một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực – Nguồn: VNDirect

Theo Chứng khoán VNDirect, Xuân Thiện Group đang dẫn đầu về công suất sản xuất điện mặt trời và xếp thứ hai chỉ sau Trungnam Group trong mảng năng lượng tái tạo nói chung, chiếm 5,3% thị phần công suất ngành điện tái tạo.

Huy động gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu cho các dự án năng lượng

Với mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn của Việt Nam đi đầu trong đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn - lĩnh vực cần rất nhiều vốn đầu tư - Xuân Thiện Group đã thông qua các công ty con huy động lượng lớn trái phiếu cho các dự án điện mặt trời.

Theo thống kê trên HNX, trong vòng 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2020, nhóm doanh nghiệp năng lượng thuộc sở hữu của Xuân Thiện Group đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất từ 10 - 11,25%/năm.

Trong đó, Xuân Thiện Đắk Lắk phát hành thành công 6 lô với tổng giá trị 1.880 tỷ đồng; Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3 và Ea Súp 5 mỗi doanh nghiệp phát hành 11 lô trái phiếu với tổng trị giá lần lượt là 1.628 tỷ đồng, 1.630 tỷ đồng, 1.630 tỷ đồng và 2.440 tỷ đồng; Xuân Thiện Ninh Thuận phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.056 tỷ đồng; Xuân Thiện Thuận Bắc phát hành 10 lô trái phiếu huy động 1.234 tỷ đồng và Xuân Thiện Yên Bái phát hành 1 lô trái phiếu trị giá 495 tỷ đồng.

Với áp lực lớn từ chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của hầu hết các doanh nghiệp năng lượng thuộc Xuân Thiện Group đều giảm 70 - 90% so với năm 2021, thậm chí Ea Súp 5 còn báo lỗ gần 25 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có Xuân Thiện Yên Bái là báo lãi đột biến 160 tỷ đồng trong năm 2022, gấp 44 lần năm liền trước nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi cho mảng thủy điện.

xuan-thien-6954.png

Xuân Thiện Group, tiền thân là Công ty TNHH Năng Lượng Sơn La được thành lập từ năm 2000, là cơ nghiệp riêng của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện, anh trai của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Cả hai là con trai của đại gia Nguyễn Xuân Thành, người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình.

Từ khi mới thành lập, Xuân Thiện Group đã định hướng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm năng lượng, vật liệu xây dựng; nông nghiệp công nghệ cao; bất động sản; khách sạn nghỉ dưỡng, logistics, giáo dục,... Trong đó mảng năng lượng là ngành mũi nhọn.

Theo thống kê trên website của doanh nghiệp, Xuân Thiện đang sở hữu 13 nhà máy thủy điện, 7 nhà máy điện mặt trời và một trung tâm thí nghiệm.

Ngoài năng lượng, Xuân Thiện cũng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2022, Xuân Thiện vừa khởi công Tổ hợp dự án thép xanh tại Nam Định với tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng, trên tổng diện tích sử dụng hơn 425ha, công suất 350.000 tấn/năm.

Tổ hợp gồm 3 thành phần: Dự án nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định (tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng); nhà máy cán thép Xuân Thiện (vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng) và nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (vốn đầu tư 900 tỷ đồng).

Cũng tại Nam Định, Xuân Thiện còn là chủ sở hữu dự án cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định có quy mô 35.000 tỷ đồng.

Trong mảng khách sạn nghỉ dưỡng, Xuân Thiện là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên). Còn trong mảng nông nghiệp công nghệ cao, tập đoàn này là đã rót vốn đầu tư vào Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hoá (tổng vốn dự kiến 36.000 tỷ đồng), dự án sữa dê hữu cơ Xuân Thiện Ninh Bình, dự án nông lâm nghiệp thuộc cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp và dự án nông nghiệp công nghệ cao Xuân Thiện CưM'gar.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ngoài nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam đã đi vào hoạt động, hồi tháng 2/2023, Công ty TNHH Xuân Thiện Hoà Bình, công ty thuộc Xuân Thiện Group đã được tỉnh Hòa Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thiện tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thuỷ với tổng vốn đầu tư 29.800 tỷ đồng, công suất 10 triệu tấn xi măng/năm.

Cũng trong tháng 2/2023, Xuân Thiện đã gửi văn bản đề nghị lên tỉnh Ninh Bình được khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước; tổng mức đầu tư dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng

Hoàng Hà