Vắng trụ dẫn dắt, VN-Index giảm gần 10 điểm
VIC đã có phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng thị trường lại không có Bluechips nào đủ sức lấp vào khoảng trống để lại. VN-Index chấp nhận có một phiên giảm gần 10 điểm.
Định vị thị trường
Những yếu tố khiến chứng khoán thế giới và châu Á điều chỉnh như quan điểm diều hâu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc không quá mới mẻ. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt thông tin vẫn còn khiến các chỉ số như NIKKEI 225 (-0,61%), KOSPI (-0,23%), TWSE (-0,05%) tiếp tục hao hụt thành quả từ đầu năm.
VN-Index dù đã liên tục thể hiện được sự khác biệt nhưng vẫn khó tránh được tác động về tâm lý đặc biệt khi các sự luân chuyển của các trụ chưa xuất hiện.
Chất xúc tác
Tỷ giá trung tâm hiện chưa vượt qua mốc 24.000 VNĐ/USD dù đã liên tục tăng các phiên gần đây. Nhà đầu tư trong nước vẫn đang theo sát những vận động của tỷ giá để kịp thời hành động.
Tuy nhiên, xét về thanh khoản, "thế trận" của dòng tiền vẫn đang có sự dồi dào vượt mong đợi. HOSE không chỉ gia tăng về thanh khoản mà còn có một phiên giao dịch hơn tỷ USD. Đóng góp của nhà đầu tư nội vẫn là chủ đạo bởi 2 chiều mua/bán của khối ngoại chỉ chiếm 7,3% giá trị của sàn HOSE.
Sau sự kiện VinFast niêm yết trên NASDAQ, thị trường trong nước lại đón nhận thêm thông tin về cuộc họp của HOSE vào ngày 21/8 tới đây để chuẩn bị cho việc triển khai KRX. Cũng cần lưu ý trong tháng 8 này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tổ chức gặp mặt các tổ chức xếp hạng thị trường tại HongKong để thảo luận về quá trình đánh giá nâng cho thị trường Việt Nam.
Vận động nhóm ngành
Nhóm chứng khoán đã ngay lập tức phản ứng với thông tin tích cực kể trên với sự dẫn dắt của SSI (+3,8%). Các mã FTS (+1,9%), AGR (+1,2%), HCM (+0,7%) cũng có những phản ứng tích cực. Tuy nhiên, xét về dòng tiền, SSI mới là tâm điểm của dòng tiền khi đạt giá trị giao dịch hơn 1.700 tỷ đồng.
VIC vẫn có lượng tiền giao dịch rất lớn, đạt 1.648 tỷ đồng, chỉ xếp sau SSI. Tuy nhiên, VIC như đã đề cập đã bộc lộ những dấu hiệu chững lại nên việc có một phiên giảm 4,9% như hôm nay cũng không gây ra bất ngờ lên thị trường. Các mã trong nhóm Vingroup như VRE (-2,86%), VHM (-3,02%) cũng bị kéo theo.
Vấn đề với thị trường là sự luân chuyển từ VIC sang cổ phiếu lớn khác. Đó có thể là những cổ phiếu Ngân hàng, hoặc các mã VNM, SAB, GAS, MSN, HPG.
Tuy nhiên, cả nhóm ngân hàng gần như không tham gia tiếp sức cho thị trường trong hôm nay. VCB (+0,2%) tăng giá không đáng kể còn BID (-0,8%), MBB (-0,8%), VPB (-1,1%), TCB (-1,7%) lại giảm quanh mức 1%.
Các mã VNM, MSN, GAS, HPG, SAB thực tế lại không tăng đáng kể trong đó đáng tiếc nhất là trường hợp của HPG đã bị hụt hơi cuối phiên, chỉ tăng 0,5%. Tác động của HPG cũng khiến cho các mã trong ngành như HSG (-1,96%), NKG (-1,48%) phải khuất phục trước lực bán chốt lời.
Trong khi đó, VIC cũng tác động tới nhiều cổ phiếu Bất động sản như VPH (-2,9%), DIG (-2,5%), DXG (-2,4%), TDC (-2,1%), SJS (-1,7%). Cổ phiếu giảm sâu nhất nhóm là LDG (-6,9%) do vừa bị HOSE hủy giao dịch bán chui 2,6 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT.
Thị trường chung không còn nhiều mã nổi bật. Sắc đỏ phủ hơn 60% số mã trên sàn. VN-Index đóng cửa giảm 0,79% xuống 1.233,48 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 25.525,94 tỷ đồng.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa giảm với biên độ lần lượt là 1,03% và 0,99%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng.