Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chính sách tiền tệ đã được điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả
Chính sách tiền tệ đã được điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023, phục vụ Phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, phần chiếm tỷ lệ lớn nhất về dung lượng là phần đánh giá về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Đây cũng là một nội dung chính được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương nhắc đến khi nói về kết quả và bài học kinh nghiệm xoay chuyển tình thế đưa nền kinh tế chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn dồn dập ập tới.
Phản ứng chính sách kịp thời
Nhìn lại 7 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Nửa đầu năm là khoảng thời gian rất rất khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã tạo chuyển biến tích cực về dòng tiền, nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư.
Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Tình hình doanh nghiệp tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Để có được sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn đó, bài học kinh nghiệm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra đầu tiên và nhấn mạnh, đó là sự chủ động, nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả.
Khó khăn của người dân của doanh nghiệp được tập trung tháo gỡ. Đồng thời điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
“Chính sách tiền tệ tiếp tục điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Chính sách tiền tệ điều hành chắc chắn, linh hoạt
Trong bản báo cáo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm phục vụ phiên họp Chính phủ vừa qua, về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với kỳ hạn và khối lượng phù hợp.
Điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhu cầu vốn của các TCTD; đồng thời, tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD đảm bảo phù hợp với diễn biến lạm phát, tình hình nguồn vốn của hệ thống TCTD và nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Về điều hành tín dụng. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến ngày 27/7/2023, huy động vốn tăng 4,27% (huy động vốn VND tăng 5,95%, huy động vốn ngoại tệ giảm -13,84%); tín dụng tăng 4,28% so với cuối năm 2022 và tăng 8,79% so với cùng kỳ.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, NHNN đã sửa đổi quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong đó bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử; cho vay bằng phương tiện điện tử; cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác; Cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm…
Báo cáo với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: “NHNN đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng”.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản, thủy sản, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô vốn khoảng 15.000 tỷ đồng và lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay và được triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Về điều hành lãi suất. Tiếp tục giữ mức lãi suất điều hành sau 4 lần giảm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022).
Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tính đến ngày 21/7/2023, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh ở mức 5,2%/năm; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh ở mức 8,7%/năm
Về điều hành tỷ giá. NHNN theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Với diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế bớt căng thẳng, cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi hơn, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Tiếp tục mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được NHNN chú trọng và tăng cường Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD cũng như tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém.
Các NHTM cổ phần về cơ bản tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Để kinh tế Việt Nam trụ vững, chính sách tiền tệ rất quan trọng
Nhìn tới những tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 đã xác định rõ: Cần tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống. Phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi; định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.
Và điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách sẽ tạo thành tác động cộng hưởng và phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để đưa tăng trưởng phục hồi nhanh.