Pháp luật - Nghiệp vụ

Cựu giám đốc làm giả giấy tờ bán xe thế chấp ngân hàng

B.T 22/08/2023 07:09

Nguyễn Thành Nam đã sử dụng 3 pháp nhân vay tiền ngân hàng, thế chấp bằng xe ô tô nhưng sau đó, cựu giám đốc liều lĩnh bán các xe ô tô đang thế chấp tại ngân hàng.

Tòa án xác định bị cáo Nguyễn Thành Nam (SN 1993, ở Hà Nội), là giám đốc các Công ty TNHH Vận tải xuyên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Công nghệ HNT Việt Nam, CTCP Vận tải Thành Nam.

Quá trình hoạt động kinh doanh, Nam đã thuê xe ô tô tự lái Vitara của một cá nhân là ông Đăng Minh H để cho thuê lại kiếm tiền chênh lệch. Bị cáo còn sử dụng pháp nhân của các công ty nói trên để mua xe ô tô Fordtransit và sử dụng các xe ô tô này thế chấp ngân hàng.

Nhưng sau đó, bị cáo làm giả giấy đăng ký đứng tên chủ sở hữu xe là Nguyễn Thành Nam để bán các xe ô tô lấy tiền chi tiêu cá nhân.

Cụ thể, tháng 10/2017, bị cáo thuê xe Vitara của ông Đặng Minh H, giá thuê 14 triệu đồng/tháng để đi lại và cho thuê hưởng chênh lệch. Đến tháng 2/2018, do không có tiền trả nợ, Nam lên mạng thuê người làm giả giấy tờ đăng ký xe để bán chiếc xe này cho chủ nợ là bà Nguyễn Thúy H.

Theo cáo buộc, bị cáo biết rõ 2 chiếc xe Fordtransit của Công ty Thành Nam và Công ty HNT đã được thế chấp tại ngân hàng, các giấy tờ bản gốc do ngân hàng giữ và quản lý. Nhưng do cần tiền chi tiêu, bị cáo đã làm giả các giấy đăng ký và đem bán cho ông Nguyễn Văn L lấy 1,8 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo đã chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng của 2 cá nhân.

Bị cáo khai tiền công làm giả giấy đăng ký xe là 10 triệu đồng/giấy, thanh toán tiền qua xe ôm và không còn lưu giữ thông tin của đối tượng làm giả giấy tờ.

Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra nhận được đơn tố giác ngân hàng và bà Nguyễn Thị Khánh H ở Hà Nội liên quan đến các xe ô tô đã được thế chấp tại ngân hàng.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh và kết luận năm 2019, do nhu cầu mở rộng kinh doanh vận tải, Nam đã sử dụng pháp nhân Công ty Thái Bình Dương để vay vốn ngân hàng mua xe ô tô Ranger Rover, xe Mercedes Benz. Tổng 2 khoản vay là hơn 5,1 tỷ đồng,  tài sản bảo đảm là chính xe ô tô mua từ vốn vay.

Công ty Thành Nam vay 6,3 tỉ đồng, mua 5 xe Fordtransit, Công ty HNT vay 6,4 tỷ đồng, mua 5 xe Fordtransit. Như vậy, cựu giám đốc đã sử dụng 3 pháp nhân vay ngân hàng gần 18 tỷ đồng mua 12 xe ô tô các loại.

Khi các công ty không trả nợ đúng hạn, ngân hàng đã thu hồi được một số để xử lý nợ, phần còn lại đang xử lý tiếp.

Với hành vi này, Nguyễn Thành Nam bị xử phạt 23 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.

Điều 174 Bộ luật Hình sự. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

B.T