Doanh nghiệp

Vốn hoá VinFast tăng mạnh, chỉ sau 3 hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới

Bảo Vy 23/08/2023 13:00

VinFast đang là hãng sản xuất xe có vốn hoá lớn thứ 4 thế giới, sau Tesla (740,14 tỷ USD), Toyota (223,26 tỷ USD), Porsche (100,28 tỷ USD).

Phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/8), cổ phiếu VFS đã tăng 109%. Như vậy, kể từ khi niêm yết VFS tăng 251%, đưa vốn hoá thị trường của VinFast lên mức 88,59 tỷ USD. VinFast trở thành hãng sản xuất xe có vốn hoá lớn thứ 4 thế giới, sau Tesla (740,14 tỷ USD), Toyota (223,26 tỷ USD), Porsche (100,28 tỷ USD) và cao hơn rất nhiều so với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Honda, Ford, Hyundai…

Trong số những hãng sản xuất xe điện, VinFast hiện đang có vốn hoá lớn thứ hai, chỉ sau Tesla.

screenshot-2023-08-23-at-12.39.10.png
VinFast có vốn hoá lớn thứ 4 trong số doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu thế giới 

Với đà tăng của cổ phiếu VFS, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng biến động mạnh. Theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng 20,3 tỷ USD trong ngày hôm qua, tăng cao nhất thế giới. Đứng thứ hai là gia đình tỷ phú người Pháp Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH.

Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 43,7 tỷ USD, xếp hạng 27 trên thế giới và trở thành người giàu nhất Đông Nam Á, vượt qua tỷ phú người Indonesia R.Budi Hartono có 26 tỷ USD.

Việc niêm yết cổ phiếu VFS trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ trở thành chủ đề được bình luận nhiều trong thời gian vừa qua. Trả lời phỏng vấn trực tiếp CNN, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast cho biết, VinFast đã niêm yết thành công và tin rằng thị trường chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai.

“Hiện tại, chúng tôi đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD, giúp chúng tôi có thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông”, bà Thuỷ nói.

Lý giải việc vì sao tự tin có thể cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nơi có rất nhiều thương hiệu xe điện lớn như Tesla, bà Thuỷ cho biết, Mỹ là thị trường rất khó khăn và thách thức. Nếu có thể thành công ở Mỹ, VinFast có thể xây dựng thương hiệu và thành công ở bất kỳ nơi đâu.

“Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, đặc biệt với mô hình kinh doanh mới - mô hình hybrid (hệ thống bán lẻ riêng của thương hiệu kết hợp với hợp tác với hệ thống nhà phân phối) sẽ giúp VinFast mở rộng thị trường nhanh chóng hơn. Chúng tôi đã đón nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ nhiều tiểu bang.

Ngoài ra, ở góc độ bao quát, khi thị trường đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xe xăng sang xe điện có nghĩa là dư địa còn rất lớn và có đủ chỗ cho các thương hiệu xe điện mới. Và chúng tôi tin rằng VinFast có thể chinh phục thị trường”, CEO VinFast nói với CNN.

Cũng theo bà Thuỷ, hệ thống trạm sạc của Mỹ tới nay đã và đang phát triển rộng rãi. VinFast có thể kết nối với hơn 73.000 trạm sạc tại Mỹ. Với sự phát triển của hệ thống trạm sạc và hệ thống đối tác hiện có, VinFast tự tin rằng đây không phải là vấn đề lớn.

Thử thách theo bà Thuỷ là tạo ra một sản phẩm phù hợp với túi tiền của mọi khách hàng. Vì thế, sứ mệnh của VinFast là làm cho xe điện trở nên dễ dàng tiếp cận cho mọi người. Đó là lý do VinFast đã đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm đầy đủ từ mẫu xe nhỏ nhất như minicar VF 3 tới VF 9 là mẫu xe SUV full-size, 3 hàng ghế.

Trước câu hỏi về việc các nhà đầu tư chỉ có 1 phần rất nhỏ (1%) số cổ phiếu để đầu tư, họ có cơ hội nào trong tương lai khi VinFast mong muốn gọi vốn không, bà Thuỷ cho biết, VinFast sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.

Bảo Vy