Đồng thuận với thế giới, VN-Index có phiên hồi phục tốt nhất sau cú rơi 55 điểm
Tâm lý nhà đầu tư trong nước cải thiện hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 06. Ngoài ra, trạng thái của thị trường Việt Nam cũng thể hiện sự đồng thuận với chứng khoán châu Á và thế giới.
Định vị thị trường
Số liệu kinh doanh quý tốt hơn kỳ vọng của NVIDIA đã hỗ trợ cho các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Á. NASDAQ (+1,59%) đã dẫn dắt các chỉ số Dow Jones (+0,54%), S&P 500 (+1,1%).
Còn tại châu Á, cổ phiếu của các nhà cung cấp cho NVIDIA đã tác động tới các chỉ số NIKKEI 225 (+0,72%), KOSPI (+1,28%), TWSE (+0,85%), CSI 300 (+0,72%).
Diễn biến tích cực chung của chứng khoán châu Á giúp cho thị trường Việt Nam cũng được thả lỏng hơn so với 3 phiên giao dịch trước đó. Đây là phiên hồi phục tốt nhất của VN-Index kể từ phiên rơi hơn 55 điểm.
Chất xúc tác
Các diễn biến tỷ giá vẫn chưa thể được loại trừ vào lúc này khi ngưỡng 24.000 VND/USD của tỷ giá trung tâm vẫn đang ở rất sát. So với phiên hôm qua, tỷ giá trung tâm hôm nay đã tăng thêm 56 đồng lên 23.954 VNĐ/USD.
Tuy nhiên, câu chuyện gây chú ý hơn cho nhà đầu tư là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có thông báo chính thức ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN). Người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi nhờ quyết định này. Dù vậy, vẫn sẽ cần những đánh giá sâu hơn về tác động thực chất tới nền kinh tế.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái giải ngân trở lại trên HOSE sau 2 phiên bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng. Thực tế, họ chỉ mua vào trong phiên chiều nay và hướng đến khá nhiều các cổ phiếu Bluechips như VNM (+127 tỷ đồng), VHM (+62,8 tỷ đồng), STB (68 tỷ đồng). Đóng góp của khối ngoại ở 2 chiều mua/bán chiếm 13% tổng giá trị giao dịch của HOSE cho thấy có sự chủ động hơn so với các phiên giao dịch trước.
Vận động nhóm ngành
Với sự tham gia trở lại của tiền ngoại, nhà đầu tư nội cũng bớt đi những lo lắng về trạng thái điều chỉnh của thị trường. Lực mua vào trong phiên chiều đã kéo VN-Index thoát khỏi trạng thái đi ngang trên mốc tham chiếu. Chỉ số đóng cửa gần như ở mức cao nhất phiên, tăng 16,83 điểm lên 1.189,39 điểm (+1,44%). Giá trị giao dịch đạt gần 18.500 tỷ đồng.
Đóng góp của VN30 vẫn là chủ chốt khi biên độ tăng của chỉ số này cũng tốt hơn so với VN-Index, tăng 1,6%. Các mã FPT (+5,35%), SSI (+5,3%) cùng ghi nhận mức tăng trên 5% trong khi đó MSN (+3,2%), GVR (+3,1%), HPG (+2,5%), SAB (+2,3%), STB (+2,1%), POW (+2%) đều tăng trên 2%. Cả rổ có 26/30 mã tăng giá và gần như đã triệt tiêu hết ảnh hưởng của VIC (-1%).
Các cổ phiếu trên HOSE cũng đón nhận tín hiệu từ các Bluechips để lan tỏa tâm lý tích cực. Độ rộng của sàn đạt 71% mã tăng giá.
Các nhóm chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, hóa chất xuất hiện một loạt cổ phiếu tăng trên 3% như: VND (+3,6%), VIX (+6,9%), FTS (+3,4%), DIG (+7%), HBC (+7%), DXG (+6,9%), SJS (+6,9%), NLG (+6,5%), CKG (+6%), DGW (+4,7%), FRT (+4,1%), HAG (+5,57%), DGC (+3,73%)…
Nhiều trường hợp tăng trần như: DXG, DIG, HBC, DXS, HTN, SJS cho thấy hiệu ứng tâm lý rất nhạy với Thông tư 06. VN-Index đang cho thấy những chuyển biến tốt hơn sau phiên giảm hơn 55 điểm. Dù vậy, vẫn cần thêm thời gian cho chỉ số này thể hiện.
Đây là điều nhà đầu tư tại HNX và UPCoM cũng cần quan sát thêm dù: CEO (+7,5%), HUT (+2,51%), SHS (+5,63%), L14 (+5,49%), QNS (+7,21%), C4G (+2,82%) đều tăng điểm rất tốt. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có mức hồi phục còn tốt hơn VN-Index, lần lượt tăng 2,17% và 1,63%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.