7 - 10 năm tới, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng
Việt Nam có 4 động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và có 2 vấn đề lớn về môi trường đầu tư cần lời giải từ hôm nay.
Dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế.
Tại diễn đàn Bất động sản Khu công nghiệp do báo Đầu tư tổ chức ngày 24/8, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, lợi thế đầu tiên, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn.
Lợi thế tiếp theo được ông Phương đề cập là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA...
Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng tình với lãnh đạo Bộ KHĐT, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đánh giá, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn.
Vị này nêu, đầu tư tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp, tuy nhiên, nhà đầu tư luôn có được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư, cũng như sự hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương trong kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Bruno, Việt Nam có 4 động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, gồm:
Thứ nhất, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các FTA;
Thứ hai, giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN;
Thứ ba, xu hướng Trung Quốc +1 trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thu hút khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất chuyển ra nước ngoài.
Cuối cùng, chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, khu vực công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Hai vấn đề lớn cần lời giải
Đánh giá xu hướng thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Bruno cho rằng, các tỉnh phía Bắc đang có được ảnh hưởng đầu tư và dư địa tăng trưởng lớn nhất trong cả nước. Điều này hoàn toàn không phải thị trường phía Nam ít hấp dẫn hơn.
"Thị trường miền Nam có rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên mặt bằng ở miền Nam đang ngày càng giới hạn, tiền công lao động cao hơn và giá cả sinh hoạt cũng cao hơn so với miền Bắc. Nhưng chắc chắn miền Bắc không phải là nơi duy nhất để các nhà đầu tư lựa chọn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng thích hợp hay cơ sở sản xuất nằm gần chuỗi cung ứng của chính các nhà sản xuất”, ông Bruno nhận định.
Theo đánh giá của lãnh đạo DEEP C, tương lai của bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam rất nhiều triển vọng. Trong khoảng 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong đó các khu công nghiệp sinh thái sẽ ngày càng mở rộng.
“Việt Nam có nhiều lợi thế như vị trí địa lý, môi trường đầu tư có sức hút, ổn định chính trị, đặc biệt là về mặt tăng trưởng kinh tế, nhưng việc các nhà đầu tư có thể tận dụng được điều đó hay không, một phần lại tùy thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, ông Bruno cho biết.
Vị này đề cập, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ gặp phải 2 vấn đề lớn trong tương lai cần lời giải từ hôm nay, gồm lao động và năng lượng. Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dân số dưới độ tuổi lao động đang ít dần. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có ít lao động hơn và có thể nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc những nhà đầu tư đến chỉ vì chi phí lao động rẻ.
Vấn đề thứ hai là năng lượng. Dự báo trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KHĐT đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
"Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các khu công nghiệp, Bộ mong muốn được lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến các đặc thù của hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp so với các loại bất động sản khác; xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp; các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của các khu công nghiệp trong nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ…) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030. Đặc biệt, đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, lãnh đạo Bộ KHĐT nhấn mạnh: "Việc đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết".