VN-Index đang ươm mầm hy vọng, tăng 0,46% trong cả tuần giao dịch
Những động thái của nhóm cổ phiếu lớn mang tính kiểm tra cung cầu lại xuất hiện và cũng phù hợp với sắc đỏ chung của chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, thanh khoản có dấu hiệu khởi sắc cùng với khá nhiều cổ phiếu thoát khỏi cái bóng của bluechips.
Định vị thị trường
Hiệu ứng kết quả kinh doanh của NIVDIA đi qua rất nhanh và chứng khoán Mỹ lẫn châu Á đã mất đi hầu hết thành quả của phiên trước đó. Dow Jones (-1,08%), NASDAQ (-1,87%), S&P 500 (-1,35%) đều giảm trên 1% còn NIKKEI 225 (-2,01%), KOSPI (-0,73%) cũng đều mất điểm khá nhiều.
VN-Index đang đi theo vận động chung của chứng khoán thế giới nên chỉ số cũng quay đầu giảm nhẹ. So với phiên tăng điểm hôm qua, thị trường vẫn giữ lại được khá nhiều thành quả. Hy vọng cũng đang được làm ấm hơn nhờ những câu chuyện riêng.
Chất xúc tác
Tỷ giá trung tâm ngày 25/8 vẫn chưa vượt qua mốc 24.000 VND/USD, hiện đang được niêm yết tại 23.942, giảm 12 VND. Ít nhiều, tín hiệu này vẫn cho thấy sự kiểm soát khá tốt của nhà quản lý.
Trong khi đó, các thông tin hỗ trợ đã xuất hiện thêm. Đó việc TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tổng mức đầu tư hơn 5,45 tỷ USD. Cùng với đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng vừa công bố gói thầu số 5.10 của sân bay Long Thành về tay nhóm nhà thầu VIETUR.
Nhà đầu tư trong nước thể hiện tâm lý đã dần ổn định khi quy mô giao dịch đã trở lại trên 20.000 tỷ đồng sau 2 phiên mất mốc này. Còn đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài ở 2 chiều mua/bán đã nhanh chóng được thu hẹp về mức thường thấy, chỉ là 7,4%.
Dù vậy, cần lưu ý, khối ngoại đã quay lại bán ròng gần 850 tỷ đồng và vẫn tập trung ở nhiều mã lớn như CTG (-166 tỷ đồng), MWG (-132 tỷ đồng), HPG (-125,25 tỷ đồng), VPB (-115 tỷ đồng), BCM (-66,5 tỷ đồng).
Vận động nhóm ngành
Cổ phiếu VFS liên tiếp đi lên trên NASDAQ chưa giúp cho VIC trở lại với đà tăng trước đó. Trong 5 phiên gần đây, VIC vẫn đang chủ yếu dao động quanh vùng giá 63.000-65.000 đồng/cổ phiếu. Ở phiên hôm nay, trạng thái của VIC cũng chỉ có được sắc xanh trong phiên sáng và sau đó quay đầu giảm nhẹ. Chốt phiên VIC giảm 1,1%.
Với các cổ phiếu VN30 khác, sắc đỏ cũng chi phối phần lớn. Tổng cộng rổ VN30 có 23/30 mã giảm trong đó một loạt mã như VHM, CTG, VPB, STB, BID, HPG, SHB, VRE, BVH, GAS đều giảm hơn 1%.
Gần như toàn bộ thời gian giao dịch của VN-Index đều ở dưới tham chiếu. Chỉ số đóng cửa giảm 6,02 điểm xuống 1.183,37 điểm.
Dù vậy, như đã đề cập, thanh khoản thị trường đã có sự khởi sắc, khối lượng đạt 893,33 triệu đơn vị, tương đương 20.354 tỷ đồng.
Bất chấp những động thái điều tiết chỉ số, vẫn có một số nhóm cổ phiếu hút được tiền và có kết quả tốt hơn thị trường. Đó là nhóm Chứng khoán với VND (+2,58%), SSI (+0,63%), VIX (+1,96%), nhóm Bất động sản với CTD (+4,87%), DIG (+0,37%), DXG (+3,96%), Hóa chất với DGC (+6,26%), Thủy sản với ANV (+4,7%), VHC (+3,17%)...
Với những điểm sáng trên cùng với sự hồi phục của thanh khoản, thị trường vẫn đang gieo khá nhiều hy vọng cho nhà đầu tư mong muốn tìm các cơ hội giao dịch. VN-Index chốt tuần đã tăng nhẹ 0,46% sau khi bị gián đoạn ở tuần trước.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng 2,94% và 1,95% trong cả tuần này. Ở phiên cuối tuần, vận động của 2 chỉ số bị thu hẹp lại, HNX-Index giảm 0,14% xuống 242,9 điểm còn UPCoM-Index tăng 0,18% xuống 91,01 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng.