Doanh nghiệp

CEO VNG thu gần 1.000 tỷ đồng từ bán cổ phiếu VNZ, Chủ tịch Rạng Đông Holding giảm sở hữu về 45% vốn

Hoàng Hà 28/08/2023 - 09:58

Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP VNG đã bán ra 983.783 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 12,27%, xuống còn 8,85% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và tổng giá trị là 929 tỷ đồng. Như vậy, giá bán là 944.700 đồng/cổ phiếu.

CEO VNG bán gần 1 triệu cổ phiếu VNZ

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong ngày 22/8, ông Lê Hồng Minh, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Công ty CP VNG (mã VNZ) đã hoàn tất việc bán 983.783 cổ phiếu VNZ như đăng ký trước đó. Qua đó, giảm sở hữu từ 12,27%, xuống còn 8,85% vốn điều lệ, tương đương số cổ phiếu sở hữu giảm còn 2.542.054 đơn vị.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và tổng giá trị là 929 tỷ đồng. Như vậy, giá bán bình quân là 944.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 16,8% so với thị giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch (22/8).

Bên mua là Công ty CP Công nghệ BigV. Sau giao dịch sở hữu của BigV tại VNG tăng lên 6,11 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 21,26%.

Trước đó, VNG cũng liên tục biến động cổ đông lớn. Trong đó, VNG Limited bán ra 3.483.048 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 61,12% về 49% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/8.

Chiều ngược lại, ngày 3/8, BigV mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 11,78%, lên 17,84% vốn điều lệ; ngày 28/7 trước đó, BigV đã mua 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 5,72% lên 11,78% vốn điều lệ.

Như vậy, khối lượng mà BigV mua vào trong ngày 28/7 và ngày 3/8 bằng lượng cổ phiếu mà VNG Limited thực hiện bán ra trong ngày 2/8.

Chủ tịch Rạng Đông Holding bán ra hơn 2,49 triệu cổ phiếu RDP

Công ty CP Rạng Đông Holding (mã RDP) công bố báo cáo kết quả bán ra cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT để giảm sở hữu về 45,04% vốn điều lệ.

Cụ thể, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Rạng Đông Holding vừa bán ra 2.493.159 cổ phiếu RDP để giảm sở hữu từ 50,12%, về còn 45,04% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 7/8 đến ngày 21/8.

Trước đó, bà Hồ Thị Mỹ Hảo, trợ lý Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding đã bán ra toàn bộ 1.721.962 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,51%, xuống 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 24/7 đến 28/7.

Lãnh đạo Rạng Đông Holding bán ra cổ phiếu trong bối cảnh mã này có chuỗi tăng khá mạnh trong vòng hơn 3 tháng. Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến ngày 23/8, cổ phiếu RDP đã tăng 53,2%, từ 5.810 đồng lên 8.900 đồng/cổ phiếu.

Công ty mẹ của Xuất nhập khẩu Petrolimex đăng ký thoái toàn bộ 52,67% vốn

Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC), công ty mẹ của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (mã PIT) đăng ký bán toàn bộ 8.005.611 cổ phiếu PIT, tương ứng tỷ lệ 52,67% vốn tại PIT.

Giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 25/8 đến ngày 22/9 theo phương thức khớp lệnh. PGCC cho biết, việc chuyển nhượng cổ phiếu PIT là theo chỉ đạo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trước thông báo thoái vốn của công ty mẹ, từ ngày 3/8 đến ngày 9/8, cổ phiếu PIT đã có sóng tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo đó, PIT lý giải nguyên nhân là do cung cầu thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài kiểm soát của Công ty. Công ty khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.

Trong một diễn biến liên quan, bà Lê Thuý Đào, Trưởng Ban Kiểm soát PIT cũng đăng ký bán toàn bộ 383.084 cổ phiếu PIT (tỷ lệ 2,52%) từ ngày 24/8 đến ngày 22/9 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận nhằm tái cơ cấu tài chính cá nhân. Bà Lê Thuý Đào là người được PGCC đề cử tham gia vào Ban kiểm soát PIT.

Ngoài bà Đào, nhiều nhân sự chủ chốt và quan trọng tại PIT đều liên quan đến PGCC. Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT PIT là người được PGCC cử đại diện phần vốn góp hơn 4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 26,33% tại PIT. Ông Huỳnh Đức Thông, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PIT cũng là người đại diện hơn 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,17% của PGCC. Hay ông Nguyễn Đình Thanh, Thành viên HĐQT PIT là người được PGCC cử đại diện hơn 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,17% của công ty.

Vingroup góp hơn 297 tỷ đồng để sở hữu 5% vốn điều lệ của GSM

Ngày 25/8, Tập đoàn Vingroup công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt việc Vingroup góp vốn vào Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM. Cụ thể, Vingroup sẽ góp vốn vào GSM với số vốn hơn 297 tỷ đồng, chiếm 5% vốn điều lệ của GSM.

Trước đó, ngày 25/3/2023, ông Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất chuyển nhượng gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào GSM. Phần vốn góp được định giá 2.850 tỷ đồng, xác định bằng giá bình quân 50 phiên của cổ phiếu VIC tính đến ngày 25/3/2023 và tương đương với 95% vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của GSM thời điểm đó. Đến ngày 8/5/2023, GSM đã tăng vốn điều lệ lên 5.650 tỷ đồng.

Ngày 8/4/2023, GSM công bố chính thức khai trương dịch vụ taxi điện tại Hà Nội từ ngày 14/4/2023. Đến ngày 14/8/2023, GSM tiếp tục triển khai thêm dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện VinFast.

Nước Thủ Dầu Một muốn thâu tóm một công ty ngành nước ở Quảng Bình

HĐQT Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) đã chấp thuận việc mua cổ phần của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Số cổ phần dự kiến mua tương ứng với tỷ lệ sở hữu từ 20% đến dưới 50% cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu thương vụ thành công, DNP Quảng Bình sẽ trở thành công ty liên kết của TDM Water.

DNP Quảng Bình được thành lập vào năm 2020, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch. Hiện tại, Công ty CP DNP Holding nắm giữ 89,9% vốn điều lệ của DNP Quảng Bình.

Trước đó, hồi tháng 6, HĐQT TDM Water đã thông qua phương án chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 25% so với thị giá cổ phiếu TDM chốt phiên 25/8 là 39.950 đồng/cổ phiếu.

Với 300 tỷ đồng dự kiến thu về, TDM Water sẽ chi 143 tỷ đồng mua cổ phần Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, 54 tỷ đồng mua cổ phiếu Công ty CP Cấp nước Cà Mau, 35 tỷ đồng mua cổ phần Công ty CP Cấp nước Gia Tân.

Hoàng Hà