Nghiên cứu - Trao đổi

67% vốn tài trợ cho ngành Fintech Việt Nam "bốc hơi" trong nửa đầu năm 2023

Minh Đức 29/08/2023 07:38

Đó là số liệu được đưa ra tại “Báo cáo tài trợ trong nửa đầu năm 2023 của Fintech Việt Nam” bởi nền tảng phân tích thị trường Tracxn Technologies.

fintech-featured-2.jpg

Cụ thể, tổng nguồn tài trợ cho ngành Fintech Việt Nam giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 6,2 triệu USD từ mức 17,9 triệu USD của một năm trước đó. Tổng nguồn vốn tài trợ cho các startup công nghệ Việt Nam đã giảm 82% xuống còn 66 triệu USD trong nửa đầu năm 2023 từ mức 372 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Hà Nội là thành phố nhận được nhiều nguồn tài trợ nhất cho lĩnh vực Fintech trong giai đoạn này.

Báo cáo chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh này. Nguyên nhân thứ nhất đến từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Thực tế cho thấy, tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu tiếp tục đeo bám các nhà đầu tư, do các yếu tố bao gồm lo ngại về kinh tế vĩ mô toàn cầu (lạm phát cao và lãi suất tăng), căng thẳng địa chính trị và thách thức của lĩnh vực công nghệ (định giá giảm và liên tục thiếu lối thoát). Sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ vào đầu năm 2023 có thể cũng khiến nhiều nhà đầu tư ở trạng thái nghe ngóng “chờ xem” trong thời gian qua.

Nguyên nhân thứ hai là do thiếu các vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối. Tracx phân tích, giai đoạn cuối trong suốt năm 2022 và 2023, thị trường Fintech Việt Nam gần như thiếu vắng hoàn toàn nguồn tài trợ. Trong số các vòng cấp vốn đã được thực hiện trong năm nay, các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu chiếm đa số, đóng góp 5,1 triệu USD vào tổng nguồn vốn trong nửa đầu năm 2023, giảm mạnh 97% so với số vốn 195 triệu USD huy động được trong nửa đầu năm 2022.

Nguồn tài trợ giai đoạn đầu trong nửa đầu năm 2023 cũng thấp hơn 32% so với mức 7,5 triệu USD của nửa cuối năm 2022. Nguồn tài trợ ở giai đoạn hạt giống trong nửa đầu năm 2023 chỉ còn 1,1 triệu USD so với 6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tracxn, thị trường Fintech tại Việt Nam chỉ trải qua một vòng cấp vốn duy nhất vượt quá 100 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Kể từ đó, chưa có vòng cấp vốn nào vượt qua được cột mốc này.

Hơn nữa, lĩnh vực này của Việt Nam hiện chưa tạo ra bất kỳ kỳ lân nào, cũng như không chứng kiến bất kỳ thương vụ mua lại hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm qua.

Các nhà đầu tư chính đóng vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh Fintech tại Việt Nam trong hai năm qua bao gồm CIE IIITH, Y Combinator, WeFounder Circle, Integra Partners và Genting Ventures. Đáng chú ý, CIE IIITH, Y Combinator và WeFounder Circle là những người chơi quan trọng trong lĩnh vực đầu tư giai đoạn hạt giống. Trong khi đó, Integra Partners và Genting Ventures nổi tiếng là những nhà đầu tư trong các vòng cấp vốn giai đoạn đầu.

Ở một diễn biến khác, theo Báo cáo KPMG Pulse of Fintech, Fintech trên toàn cầu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tổng vốn huy động được 10,8 tỷ USD và số lượng giao dịch giảm 732 lượt, từ 63,2 tỷ USD và 2.885 giao dịch trong nửa cuối năm 2022 xuống còn 52,4 tỷ USD và 2.153 giao dịch trong nửa đầu năm 2023.

Xét theo khu vực, châu Mỹ chứng kiến ​​nguồn vốn tài trợ cho Fintech tăng, từ 28,9 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2022 lên 36,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Mặc dù vậy, số lượng giao dịch khu vực này lại giảm từ 1.323 xuống 1.011 giao dịch. Ở khu vực châu Âu – Trung Đông và châu Phi, nguồn tài trợ cho Fintech đã giảm hơn 50%, giảm từ 27,3 tỷ USD trong 963 giao dịch trong 6 tháng cuối năm 2022 xuống còn 11,2 tỷ USD trong 702 giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023. Tài trợ cho Fintech cũng giảm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ 6,8 tỷ USD cho 583 giao dịch trong 6 tháng cuối năm 2022 xuống còn 5,1 tỷ USD cho 432 giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nhận định về sự sụt giảm này, ông Judd Caplain, Giám đốc Dịch vụ Tài chính Toàn cầu của KPMG cho hay: “Không có gì ngạc nhiên khi thấy nguồn tài trợ cho Fintech giảm trong 6 tháng đầu năm 2023, do những cơn gió ngược to lớn đang gây áp lực lên thị trường vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trường hợp kinh doanh dài hạn đối với nhiều phân ngành trong Fintech vẫn rất mạnh, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như thanh toán, công nghệ bảo hiểm (insurtech) và công nghệ quản lý của cải, tài sản (wealthtech). Một khi các điều kiện thị trường bắt đầu ổn định, nguồn vốn có thể sẽ tăng trở lại – nếu không muốn nói là đạt mức kỷ lục như trong năm 2021”.

Báo cáo Pulse of Fintech của KPMG cũng chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm 2023, trên toàn cầu, các công ty Fintech tập trung vào chuỗi cung ứng và logistics đã thu hút được 8,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023- cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 5,5 tỷ USD cuả 6 tháng đầu năm 2019. Công nghệ tài chính xanh cũng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ, với 1,7 tỷ USD được tài trợ trong nửa đầu năm 2023, đã vượt nhẹ so với kết quả 6 tháng năm 2022 (1,5 tỷ USD).

Trước bối cảnh sụt giảm mạnh của Fintech toàn cầu nói chung, Tracxn Technologies vẫn tỏ ra lạc quan với thị trường Fintech Việt Nam nửa cuối năm 2023. Tracxn cho biết với những động lực như thu nhập của người dân tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số liên tục và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam thời gian tới.

Minh Đức